Hiểu mỗi ngày để thương mỗi ngày
Những loài vi sinh vật đáng sợ, loài ong và Ngày Trái Đất
Người ta chọn ngày 22 tháng 4 hằng năm làm Ngày Trái Đất, với ý nghĩa nhắc nhở về hành vi của mỗi cá nhân và cấu trúc hệ thống xã hội trong mối quan hệ với tất cả các sinh vật trên hành tinh này.
Chúng ta đã nói rất nhiều về nhận thức thay đổi hành vi của con người trong các chương trình, chiến dịch bảo tồn động vật hoang dã, cải thiện môi trường sống xung quanh hay giảm thiểu sự gia tăng nhiệt độ và thay đổi khí hậu. Nhưng có lẽ chưa bao giờ là đủ để điều đó dừng lại. Các chương trình truyền thông, giáo dục thậm chí càng cần ra sức hơn nữa cho tới chừng nào cách chúng ta tư duy về mối quan hệ giữa con người và các loài khác có sự thay đổi.
MỘT MỐI QUAN HỆ PHỤ THUỘC
Không phải vô cớ mà loài Ong xuất hiện nổi bật trên Google hôm nay. Điều này nghe thật ngộ nghĩnh nhưng một số nghiên cứu cho thấy những con ong là loài duy nhất đang sống mà không mang bất kỳ loại mầm bệnh nào, bất kể đó là nấm, vi rút hay vi khuẩn. Loài ong thụ phấn cho 2/3 số cây trồng trên Trái Đất; 1/3 số lương thực chúng ta ăn hằng ngày cũng là nhờ loài ong; 85% loài hoa trên Trái Đất cũng được thụ phấn nhờ ong. Hiện có khoảng 20.000 loài ong trên thế giới. Các nhà khoa học gọi ong là một loài chủ chốt bởi hệ sinh thái sẽ sụp đổ nếu thiếu chúng. Tôi nhớ có lần đọc được một bài báo có nhắc “Không phải loài người, ong mới là sinh vật sống quan trọng nhất trên Trái Đất”***. Nghe có thể nực cười, tôi hiểu chúng ta thấy sự phi lí ở đây đơn giản vì chúng ta quen với vị thế bá quyền của loài người từ bao lâu nay. Chúng ta quen với cương vị cầm cương làm chủ, quy định luật chơi và lấn át các loài khác. Nhưng cái khát vọng “vươn lên” khỏi thảo nguyên ấy của loài người, đang đồng thời giết chính chúng ta và toàn bộ sự sống của hành tinh này. Nực cười, đau đớn, nhục nhã nhưng rất cần thiết phải đối diện với điều đó. Không bao giờ là quá muộn cho sự tái kết nổi, trước hết là với chính mình bằng sự hiểu và sự thương, ấy là để mỗi một cuộc đời trở nên ý nghĩa hơn.
Tôi không biết các bạn sẽ dùng từ gì cho các phạm trù thảo luận trong trường hợp này. Sự tiến hoá của các loài? Thứ bậc trong chuỗi thức ăn? Quyền con người được tự do sở hữu của cải vật chất? Sao cũng được, và hãy sử dụng tất cả những gì có thể để dành cho điều cấp thiết ở thời điểm này – đó là “sự tái kết nối”. Xin hãy hướng tất cả năng lượng chúng ta đang có để vun đắp cho “sự hoà hợp” – một điều bình dị mà thật sự lớn lao. Xin hãy góp tất cả các lăng kính và góc nhìn vốn đang bị chia cắt, vốn đang làm sâu sắc hơn việc các cấu trúc sinh thái chặt chẽ bị chia rẽ từng ngày, kể cả chính trong cộng đồng người. Chúng ta cần vun đắp cho các mối quan hệ Bình đẳng – Tôn trọng – Yêu thương với các cây, các con, các môi trường đang sinh sống và không thể thiếu với những người xung quanh. Bởi cho dù có cố tình lãng quên hay chối bỏ, sự thật vẫn tồn tại rằng các cá thể trong hành tinh sống trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.
KHÔNG CÓ KẺ THÙ NÀO BÊN NGOÀI CẢ
Tôi xin mượn lời gần đây của Charles Eisenstein** “Chúng ta có thể cố gắng dựng nên một kẻ thù để trút mọi tội lỗi, ví dụ như những nhà tỷ phú, Vladimir Putin, hay Ác quỷ, nhưng sau đó chúng ta liền bỏ qua thông tin cốt lõi, như điều gì đã cho phép các tỷ phú (hoặc virus) được sản sinh ngay từ đầu. Nếu có điều gì mà nền văn minh của chúng ta giỏi làm, thì đó là chiến đấu chống lại kẻ thù. Các cơ hội để thực hiện điều mà chúng ta làm tốt luôn được chào đón, bởi điều đó chứng minh giá trị của những công nghệ, những hệ thống và thế giới quan của chúng ta. Và bởi vậy, chúng ta chế tạo ra những kẻ thù, đưa những vấn đề như tội phạm, khủng bố, và bệnh tật vào dạng thức “chúng ta – chúng nó”, và hướng năng lượng tập thể vào những nỗ lực có thể được nhận diện theo cách trên.”
GIẬN. YÊU THƯƠNG CHÍNH MÌNH
Giận dữ với quá khứ và hiện tại, với những “kẻ-tội-đồ nào đó khác ở bên ngoài kia đang làm điều sai trái khiến hành tinh bị huỷ hoại, khiến đời sống chúng ta tệ hại đi. Cơn giận ấy khiến chúng ta căm ghét chính mình. Điều đó không giúp ta soi sáng được đường ta đi, chỉ khiến ta rơi vào tuyệt vọng bế tắc và nguy cơ tiếp tục đồng thuận cho những sai trái. Nhưng trước hết, hãy thừa nhận sự tồn tại nếu điều đó xuất hiện, xin đừng chối bỏ nó. Nhìn thấy cơn giận thật rõ ràng giúp chúng ta bước đầu nhìn được bản thể bên trong mình, khi nào cơn giận xuất hiện, cơn giận nói điều gì, và khiến ta mêt mỏi thế nào. Chỉ khi nhìn thấy mình, ta mới học được cách yêu thương mình bởi tình yêu khó có thể gieo vào hư vô mãi mãi được. Hãy chế ngự sự bành trướng bằng việc vun đắp tình yêu thương thay vì sự căm ghét. Hãy nuôi dưỡng tình thương bên trong chính mình và để nó được nảy nở ra xung quanh thay vì dành cả cuộc đời cho cuộc marathon đơn độc và cuộc đấu tranh với những kẻ thù hư vô bên ngoài không hồi kết.
HÃY LÀ HẠT MẦM YÊU THƯƠNG CỦA TRÁI ĐẤT
Chưa bao giờ tình thương và chữa lành được kêu gọi nhiều như lúc này. Những câu chuyện của Trái đất, của loài ong hay virut không phải là chuyện bên ngoài, mà là biểu hiện cho những điều sai sót của mỗi chúng ta. Tương tự, chúng ta chưa cần bảo vệ môi trường và cuộc đời ai xa xôi cả, điều ta cần là can đảm thừa nhận mình và yêu thương chính nó. Khi hàng tỷ cá thể rối rắm lượm lặt những thành tích cho ngai vàng ảo tưởng của mình thì sự san sẻ và yêu thương càng cần được ươm ấp và lan đi rộng hơn nữa. Sự lựa chọn là một đặc quyền, và lựa chọn gieo mầm yêu thương các loài là một trong những đặc quyền đẹp xinh nhất mà chúng ta từng có.
Cảm ơn tất cả nỗ lực gắn kết và chữa lành. Cảm ơn một ngày được nhắc nhở và hàng trăm ngàn ngày khác bản thân tự nhắc nhở mình. Cảm ơn mọi người vì đã ở đây.
——-
* Ngày Trái đất 2020 (22/04) được Liên hiệp quốc lựa chọn chủ đề “Hành động vì khí hậu”. Nhiều bạn nhầm ngày này với “Giờ Trái Đất” tổ chức tháng 3 hằng năm. Sự nhầm lẫn này mình cho rằng không sao cả.
** Trích bản dịch bài “The Corona – Thế giới thời Corona” http://theforestvn.com/learning/the-coronation-the-gioi-thoi-corona-charles-eisenstein/
*** Một nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm khởi nghiệp ApicARM của Đại học CeapiMayor và Tập đoàn trồng trọt Chile, với sự hỗ trợ của Quỹ đổi mới nông nghiệp (FIA)
**** Xin hãy cẩn thận đừng để ý niệm về một ngày nổi bật làm chúng ta quên cần nỗ lực trọn vẹn hàng ngàn ngày còn lại.