Thế giới không phải chỉ một màu hồng nhưng cũng cần gieo hy vọng để “tiến lên”
Nhân lúc đang nói chuyện với các bạn trẻ mong muốn “làm” giáo dục môi trường, mình bắt gặp lại cái ngã ba đường quen thuộc mà rất nhiều năm nay mình không ít lần lượn vòng qua lại. Ấy là đứng giữa hai hướng đi. Thứ nhất là việc làm sao để cùng hiểu rằng cuộc sống không dễ dàng và tiện lợi như cách nó đang được cổ vũ thái quá bởi những quyển sách, bài nói chuyện và phương tiện truyền thông. Thứ hai là làm sao không mãi tần ngần chết lặng trong bế tắc và vẫn ươm được hy vọng để người ta còn có thứ bám vào mà “tiến lên”. Chuyện này mình tin không ít người trong số chúng ta đôi lần đã bước qua hoặc chùn bước dừng lại.
Cuộc sống có những biến số mà ta không lường được hết, ấy là sự phức tạp. Hàm ý nói đến cái tâm thế khiêm nhường nhìn cuộc sống ở nhiều chiều cạnh khác nhau và giữ một độ mở cho những điều ta chưa bao giờ “biết”. Đó là cái cách ta loại đi kiểu suy nghĩ chắc nịch ta-chắc-chắn-biết về mọi sự. Điều đó tạo không gian cho việc không ngừng lắng nghe và quan sát, cho những sự cải thiện, cho những ước mong làm-tốt-hơn.
Trong một chiều cạnh khác, người ta cũng dễ dàng túng quẫn khi đào sâu vào sự phức tạp. Không phải mọi vấn đề đều có câu trả lời thoả đáng đúng-sai, nên-không nên, tốt-xấu như các bài toán phổ thông. Thậm chí còn có thể rối rắm nhiều hơn nữa khi sự đào bới chỉ mãi tập trung vào các nguyên nhân-hệ quả-giải pháp mang tính hệ thống, các giải pháp kỹ thuật cấp tiến, và hoàn toàn rời xa tâm trí của chính mình hay các mối quan hệ của con người với thế giới. Đấy là khi sự mất kết nối diễn ra. Chúng ta bế tắc, stress, tuyệt vọng và không hiểu mình là ai trên thế giới này. Đó không còn là một câu hỏi triết học vô nghĩa trên các trang sách hay câu nói vớ vẩn của đứa bạn, nó trở thành tiếng nói thì thầm trong đầu. Nó có thật hơn bao giờ hết. Đến đây mong là không ai bảo tôi “tâm thần”.
Gieo được hy vọng gì trong những bế tắc và câu hỏi về chính mình này? Không biết, nhưng nếu không có hy vọng ít ỏi nào được thắp lên nữa vào lúc này thì có lẽ sẽ đau khổ lắm. Tôi ít nhiều hình dung ra điều đó, bởi nó đã từng ở gần kề vẫy tay chào ngay cạnh rồi sau đó ra đi.
Bởi thế, các cuộc trò chuyện thi thoảng trở nên thách thức hơn. Tìm một sự cân bằng đối với mình không thật sự dễ dàng. Thú thật hơn nữa là đã có rất nhiều lần sai lầm.
Có một số thứ tôi nhìn thấy đã giúp ích ở quá trình của cá nhân mình:
Thứ nhất, cần nhận diện được cách tư duy nhị nguyên. Thế giới không chỉ có: Trắng hay đen, Tốt hay xấu, Đúng hay sai, Thành công hay thất bại. Trong chừng mực nào đó, nhị nguyên tồn tại. Nhưng nó không phải là tất cả.
Suy cho cùng, việc tư duy thế giới theo hệ thống nhị nguyên khiến chúng ta nhiều lần tự trói buộc mình vào những giới hạn, đi xa nữa là tự giết chết tự do của chính mình trước khi các hệ thống cấu trúc xã hội lăm le con dao vào cổ.
Các chiến dịch truyền thông môi trường lãng phí tiền của là tốt hay xấu? Sự bùng nổ các dự án fast food, sự dấn thân nhiệt tình của các nhóm thanh niên vào các hoạt động xã hội liệu có đem lại điều gì có ích? Kinh tế tăng trưởng là sự tệ hại cho thế giới hay lối đi đến sự thịnh vượng? Con người là xấu xa tội đồ hay bản tính thiện lành?
Không phải, không chỉ có hai cực cho mọi vấn đề. Chúng ta không làm đơn giản cuộc sống của mình bằng cách này được. Đây có lẽ là một sai lầm.
Thứ hai, hiểu được rằng mọi sự tồn tại như một dải quang phổ vô số điểm màu sẽ phần nào giúp ta giải thoát mình khỏi các thái cực cực đoan. Bởi, ta nhận ra sự quan trọng của việc tồn tại đa dạng. Bởi, ta thấy cuộc sống có nhiều lối đi. Nên điều ta cần là sự điềm tĩnh và vun đắp sự tôn trọng. Tôi không giúp chỉ ra cách thức đi đến điểm này được, vì tôi e rằng đây là chuyện rất riêng tư thuộc về việc khám phá chính bản thể của mình. Quay lại về sự đa dạng, điều này một mặt là một sự thật đang tồn tại, một mặt khiến tôi thấy cuộc sống trở nên đẹp đẽ hơn bởi cách chúng ta giữ thái độ tôn trọng dành cho những cá thể rất khác nhau, cũng là cách mà thế giới đối đãi với sự khác biệt của tôi.
Chấp nhận và tôn trọng tự tồn tại đa sắc màu. Điều đó sẽ gợi mở cho một thế giới rộng lớn hơn.
Thứ ba, nuôi dưỡng sự yêu thương bằng những sự hiểu. Chắc chắn điều này không có một ngoại lệ nào cả, yêu thương chính mình, những người xung quanh, và cả những sinh vật và mọi sự việc diễn ra trong cuộc sống. Hãy kiên nhẫn lắng nghe, cho phép lòng trắc ẩn bên trong mình được cựa quậy. Điều đó giúp chúng ta gieo nên hạt mầm hy vọng cho những điều ở phía trước. Không phải sự căm giận, không phải sự oán hận, mà chính sự yêu thương sẽ nắm tay ta đi đến tia hy vọng ở phía trước.
Tình thương là điều đẹp đẽ mà tôi tin rằng không ai từ chối nhận lấy. Tôi cũng tin tình thương có sức mạnh mạnh mẽ trong việc hàn gắn và chữa lành những thương tổn và vực dậy khỏi những bế tắc. Có điều, nó không tự dưng mà xuất hiện và lớn lên, nó cần sự nuôi dưỡng. Không gì khác ngoài việc dành sự tỉnh thức ở bản thân mình sẽ là tiền đề để yêu thương nảy nở.
Trái tim mình vẫn đang đập nhiều nhịp hơn bình thường khi viết những dòng này. Chắc không phải chỉ do cà phê, có lẽ nó đang muốn nói chuyện với mình và mọi người.