Con đường vượt khỏi sự Tuyệt chủng và Sự đào thoát: Hãy trở về với Mẹ Trái Đất, về với Tái tạo và Sẻ chia

Lời người dịch: Bản tiếng Anh được đăng vào ngày 04/06/2020 trên trang navdanyainternational.org/
Cảm ơn Mylu, Trang và QQ đã hỗ trợ lược dịch.

Thông điệp nhân ngày Môi trường thế giới, 05/06/2020
Từ Cô Tiến sỹ Vandana Shiva

Ngày 31 tháng 05, trong lúc nhân loại đang chết vì đại dịch bệnh Corona, hàng triệu người bị mất sinh kế và đối mặt với nạn đói vì “lệnh phong toả”, hàng triệu người đang tuần hành từ thành phố này qua thành phố nọ ở Mỹ để phản đối sự tàn bạo và bạo lực của cảnh sát sau khi vụ người đàn ông George Floyd bị giết chết bởi cảnh sát thành phố Minneapolis, thì cùng lúc đó tỷ phú Elon Musk đã phóng thành công tàu vũ trụ SpaceX. (ND: Ngày 30/05/2020 vừa qua, SpaceX ghi tên vào lịch sử khi đưa hai phi hành gia NASA lên quỹ đạo Trái Đất).

Đối với tôi đây là một màn trình diễn tàn bạo về sự kiêu ngạo, thờ ơ và quyền lực của nhóm 1% của thế giới (ND: những người giàu nhất thế giới) – những người đã đẩy hệ sinh thái, các cộng đồng, quốc gia và nhân loại đến bờ vực hiện nay.

Musk muốn tạo nên một thành phố tự duy trì mang tên SpaceX trên Sao Hỏa trong thế kỷ tới để dành cho một nhóm người có đặc quyền trong xã hội. Anh ta bỏ qua thực tế rằng không có Hành tinh B, rằng Trái đất là hành tinh duy nhất có sự sống, Mẹ Trái đất là Gaia, rằng Mẹ Trái đất của chúng ta đang sống. 

Musk nói về sự xúc động của mình trong buổi phóng SpaceX vào không gian. Những người đàn ông mạnh mẽ quyền lực bày tỏ “cảm xúc” với những chiếc máy, không phải với con người hay những sinh vật khác. Họ nói về việc loài người trở thành một nền văn minh không gian và biến nhân loại trở thành giống loài đa hành tinh. Họ vẫn phủ nhận việc tất cả chúng ta là những con người phàm tục, đang cùng chia sẻ sự sống với những sinh vật khác trên Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta.

Các tỷ phú đã xâm phạm vào ranh giới của hành tinh, họ góp phần hủy diệt Trái đất, góp phần tạo nên bất công và bất bình đẳng trong xã hội. Giờ đây họ có vẻ muốn có một “cuộc đào thoát” khỏi nhân loại, thoát khỏi mối đe dọa tuyệt chủng mà họ góp phần tạo ra. 

Là những thành viên của cộng đồng Trái đất này, họ có trách nhiệm quan tâm chăm sóc Trái đất, chứ không chỉ khai thác bóc lột như thế rồi khi có thiệt hại thì lại quyết định bỏ mặc Mẹ Trái đất để đi xâm chiếm những hành tinh khác.

Với cùng số tiền mà Mush rót vào SpaceX, hàng triệu người có thể được nuôi sống và cùng tham gia sáng tạo vào việc tái sinh Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta, khiến nó trở thành một nơi đáng sống cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu là một hiện tượng nhân tạo: Nó được tạo ra bởi lòng tham vô hạn của số ít người.

Lấy một ví dụ, ngay cả khi đã khoác lên cái mác “Xanh” – thì ‘cơn khát’ Lithium vô tận của ngành công nghiệp xe điện của Musk cũng vẫn sẽ dẫn đến việc mở rộng khai thác các mỏ lithium ở Bắc Tây Tạng, Nam Mỹ, Chi Lê và Bolivia. Với nhu cầu về ô tô điện, nhu cầu về lithium dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025 với thiệt hại theo cấp số nhân dành cho môi trường và các cộng đồng xung quanh. 

Theo Ông Evo Morales, cựu Tổng thống Bolivia, cuộc đảo chính chống lại ông cũng chính là cuộc đảo chính về Lithium. Cuộc đảo chính diễn ra vào ngày 4 tháng 11 năm 2019, một tuần sau khi Morales tuyên bố quốc hữu hoá Lithium và ông nhấn mạnh Lithium thuộc về người Bolivia chứ không phải của các tập đoàn đa quốc gia. Ông cũng đã huỷ bỏ thoả thuận tháng 12 năm 2019 với công ty khai khoáng Đức ACI System Alemania (ACISA), nhiều tuần sau những phản đối từ người dân Potosi – nơi có 50% đến 70% trữ lượng Lithium của thế giới, được lưu trữ trong bãi muối Salar de Uyuni. ACISA là đơn vị cung cấp pin cho Tesla thuộc sở hữu của Elon Musk và cuộc đảo chính đã làm giá cổ phiếu công ty này tăng lên rất nhiều. [1] [2]

Khi người giàu và có quyền lực phá huỷ hiệp ước ứng phó Biến đổi khí hậu Copenhagen 2009, Evo Morales đã diễn thuyết tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu (COP), nhắc nhở mọi người rằng các chính phủ nên đàm phán để bảo vệ Mẹ Trái đất, chứ không phải bảo vệ quyền của những người gây ô nhiễm. Như một biện pháp đối phó, ông tuyên bố sẽ kêu gọi một Hội nghị nhân dân về Biến đổi khí hậu và Quyền của Mẹ Trái đất. Tôi đã vinh hạnh được làm việc với nhóm do chính phủ Bolivia lập nên để chuẩn bị Dự thảo Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền của Mẹ Trái Đất. [3]

Là Những công dân của Trái đất, chúng ta có một lựa chọn – tuân theo quy luật tham lam và lợi nhuận vô tận của thị trường, hoặc tuân theo luật của Mẹ Trái Đất. 

Khi chuyển sang nền kinh tế hậu Covid, chúng ta cần tính đến toàn bộ chi phí sinh thái, xã hội, chính trị của tất cả những gì chúng ta đang được cung cấp và những gì chúng ta lựa chọn. Hô biến làm tàng hình chi phí thực sự mà trái đất và con người đang mất đi là cách mà giới siêu tập đoàn khổng lồ tích luỹ của cải, mở rộng sự phân cực xã hội, từ chối quyền cơ bản của hàng triệu người, phá huỷ nền dân chủ và làm tăng dấu chân sinh thái, và bỏ mặc tất cả các thiệt hại này cho Mẹ Trái đất và các cộng đồng dễ tổn thương tự gánh chịu. 

Như thường thấy, những người khai hoang thường sẽ rời bỏ mảnh đất khi nó đã bị họ phá huỷ và làm ô nhiễm, họ tìm những vùng đất mới để chiếm giữ, bòn rút; rồi gọi những nơi mới này là các bước tiến tiếp theo của quá trình, xem những điều đó như giải pháp cho các cuộc khủng hoảng sinh thái và nghèo đói do họ góp phần tạo ra; họ tiếp tục tìm đến những vùng đất và con người khác để thống trị và cướp bóc.

Cecil Rhodes, người từng chiếm cứ Zimbabwe làm thuộc địa (tiền thân là cộng hòa Rhodesia) đã thẳng thắn tuyên bố “Chúng tôi phải tìm những vùng đất mới để có thể dễ dàng kiếm được những loại nguyên liệu thô và đồng thời khai thác lao động nô lệ rẻ tiền sẵn có từ người bản địa của các thuộc địa. Các thuộc địa cũng sẽ cung cấp bãi thải cho các loại hàng hoá dư thừa từ khâu sản xuất trong các nhà máy của chúng tôi.” [4]

Đây vẫn là mô hình của nền kinh tế 1%. Các công cụ khai thác và các thuộc địa có thể thay đổi nhưng mô hình thuộc địa vẫn không thay đổi – nó chiếm đoạt và cướp bóc những gì thuộc về người khác, biến thành tài sản của riêng mình, thu tiền thuê từ những người chủ ban đầu, chuyển đổi sang nguồn lao động nô lệ rẻ tiền có nguồn cung cấp vật liệu thô rẻ mạt, và biến họ trở thành người tiêu dùng cho các sản phẩm công nghiệp.

Đối với Elon Musk, các thuộc địa bao gồm cả những hành tinh khác như Sao Hoả và những quốc gia có nguồn lithium giàu có. Đối với Bill Gates và Big Tech, những thuộc địa mới chính là cơ thể và tâm trí của chúng ta – như được nêu trong bằng sáng chế số WO2020/06060 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới mà nhà tỷ phú này vừa nhận được hồi đợt đỉnh dịch vi-rút Corona, cũng là trong giữa đợt phong toả cuối tháng ba. Đây là là bước tiếp theo trong kế hoạch số hoá thế giới của những gã khổng lồ công nghệ, nơi con người và công việc của họ đang được quy kết trở nên “vô dụng” và được chuyển thành “người dùng” của những “chiếc máy”.

Một nền độc tài kỹ thuật số chủ yếu dựa vào tiền đề 90% nhân loại thuộc nhóm thừa thãi thì không có nghĩa vụ nào đối với công bằng xã hội và quyền con người. Một nền độc tài kỹ thuật số không phải là một nền kinh tế giúp hỗ trợ sinh kế và tái tạo sự sống. Nó có thể hoạt động thông qua việc trích xuất dữ liệu từ tâm trí và cơ thể của chúng ta trong một vài năm với tư cách là ‘chủ nghĩa tư bản giám sát’, nhưng vì nó không tạo ra các điều kiện chung hỗ trợ đời sống vận hành theo nền kinh tế tự nhiên và phương tiện sinh sống của người dân, bởi lẽ nó không nuôi dưỡng sức khỏe, cơ thể, tâm trí, sự sáng tạo, sự tự do hoặc trái đất của chúng ta – nó sẽ phá huỷ những nền móng cơ sở sinh thái và xã hội của nền kinh tế và tương lai của chúng ta giống như một loài sinh vật.

Từ chối việc các quá trình sinh thái nuôi dưỡng nền kinh tế, và ‘làm ngoại biên hoá’ các chi phí xã hội và sinh thái sẽ tạo điều kiện cho sự sụp đổ sinh thái.

Hai từ ‘kinh tế’ và ‘sinh thái’ đều có chung một gốc từ “oikos” nghĩa là ngôi nhà của chúng ta, hành tinh của chúng ta, cũng như tất cả những nơi chúng ta gọi là nhà. Tuy nhiên, những gì đang được gọi là nền kinh tế ngày nay lại đang phá huỷ ngôi nhà chung của chúng ta. 

Aristotle đã định nghĩa ‘oikonomia’ (ND: từ Hy Lạp có nghĩa là quản lý gia đình) là một ‘nghệ thuật sống’. Ông đã phân biệt nó với ‘nghệ thuật kiếm tiền’ mà ông dùng để nói đến ‘chrematistics’ (ND: tôn thờ lợi nhuận).

Các tỷ phú đang chơi một trò chơi không đáng được gọi là kinh tế, hoặc chăm nom ngôi nhà chung (Trái Đất), hay nghệ thuật sống. Đó chỉ là sự hấp dẫn từ việc kiếm tiền trong cuộc chiến với sự sống và sự sáng tạo. 

Những gã khổng lồ kỹ thuật số đang tạo ra một sự sai lệch trong cách hiểu về ‘phi vật chất hoá’, như thể nền kinh tế kỹ thuật số đang vận hành trong hư vô, không sử dụng tài nguyên hay nguồn năng lượng nào. Tuy nhiên thực tế thì, một nền kinh tế kỹ thuật số lại cực kỳ tiêu tốn năng lượng và có dấu chân sinh thái xã hội rất lớn. Công nghệ kỹ thuật số phát ra 4% lượng khí thải nhà kính (GHG) và mức tiêu thụ năng lượng của nó đang tăng 8% mỗi năm. Mức lưu thông dữ liệu gánh vác trách nhiệm của hơn một nửa tác động toàn cầu của ngành công nghệ số, với 55% mức tiêu thụ năng lượng hàng năm. Mỗi byte được truyền đi hoặc lưu trữ đòi hỏi các thiết bị đầu cuối và cơ sở hạ tầng (trung tâm dữ liệu, mạng) ở một quy mô rất lớn và ‘ngốn năng lượng’. Mức lưu thông dữ liệu hiện đăng tăng hơn 25% mỗi năm. Sẽ mất bao lâu trước khi sức tải sinh thái của việc số hoá mọi khía cạnh đời sống sẽ đẩy hệ sinh thái còn lại đi đến sự sụp đổ, đẩy các loài còn sống đến chỗ tuyệt chủng. [5]

Tất cả các công dân và nền xã hội dân chủ cần phải đánh giá được các chi phí này, và đảm bảo rằng các ‘nguyên tắc phòng ngừa‘ cũng như ‘nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền‘ được áp dụng đối với nền kinh tế số. Và rằng cần đảm bảo những người gây ô nhiễm sẽ không ‘trốn thoát‘ khỏi những trách nhiệm sinh thái và dân chủ của chính họ, và những kẻ độc tài không áp đặt ‘chủ nghĩa tư bản giám sát” của họ lên chúng ta. 

Có những lựa chọn vươn ra ngoài sự thuộc địa hoá, vượt khỏi sự tuyệt chủng – đây là điều đầu tiên đẩy các giống loài và nền văn hoá đến sự tận diệt, và hiện đang đe dọa sự tuyệt chủng của toàn bộ nhân loại.

Thay vì người giàu phớt lờ và chạy trốn khỏi Trái đất, con đường mà nhân loại chúng ta nên đi theo chính là ‘Trở về Trái đất’, sự trở về trong chính tâm trí, con tim và trong đời sống – với tư cách là một cộng đồng Trái đất có đủ tiềm năng cùng kiến tạo, cùng sản xuất, tái sinh và cho phép trái đất Trái đất cung cấp đủ sự sống cho tất cả chúng ta. Đây là con đường để phục hồi lại sức mạnh sáng tạo của chúng ta nhằm định hình nền kinh tế và nền dân chủ tiếp cận từ dưới lên. Đây là thực tiễn của nền Dân chủ Trái đất.

Chúng ta cần chuyển từ chủ nghĩa duy con người sang nhận thức rằng tất cả nhân loại và các loài đều là thành viên của một Gia đình Trái đất. Giả định về sự vượt trội của loài người hơn các loài khác, và một số người hơn người khác vì sự khác biệt màu da, giới tính, tôn giáo… chính là cội nguồn của bạo lực đối với phụ nữ, người da màu và người bản địa. Nó đã biện minh cho sự huỷ diệt của các loài và nền văn hoá. Đó là những gì dẫn đến vụ giết hại tàn bạo công dân George Floyd, và nhiều người khác trước đó. Và giả định này của thuyết duy con người cũng là gốc rễ của cuộc khủng hoảng tuyệt chủng.

Chúng ta cần chuyển từ giả định rằng ‘sự xâm phạm các ranh giới của hành tinh này, ranh giới của hệ sinh thái, ranh giới loài và quyền con người là thước đo tiến bộ và ưu việt’ sang cách nghĩ ‘tạo ra các nền kinh tế dựa trên việc tôn trọng các quy luật sinh thái và giới hạn sinh thái, và tôn trọng đến quyền của người cuối cùng, đứa trẻ cuối cùng. 

Chúng ta cần chuyển từ việc xem tiền và công nghệ như những bậc thầy trong tôn giáo mới của sự kiếm tiền, tôn thờ lợi nhuận sang việc nhận biết chúng chỉ là những phương tiện phải được quản lý và điều tiết một cách dân chủ hướng đến đích đến cao hơn của sinh thái và con người. 

Chúng ta cần chuyển từ chủ nghĩa chiết xuất (ND: chiết xuất dữ liệu, hàm ý là công nghệ số) tưởng như là nền tảng của nền kinh tế sang sự đoàn kết và trao tặng – chính là cơ sở của các nền kinh tế đoàn kết, kinh tế tuần toàn của sự vĩnh cửu. 

Chúng ta cần chuyển từ nền kinh tế tập trung vào nhóm 1% sang việc phục hồi những giá trị cộng đồng vì những sự tốt đẹp và an lạc cho tất cả mọi người. 

Nhân loại phải lựa chọn tiếp tục sống bằng cách quan tâm chăm sóc ngôi nhà chung – Trái đất – và những người xung quanh, làm trẻ hoá lại Hành tinh này, để thông qua đó giúp gieo lên những hạt giống cho tương lai chung của chúng ta.

“Chỉ có sống như một cộng đồng trái đất và một nhân loại hợp nhất trong sự đa dạng, chúng ta mới có thể giữ mình và bước ra khỏi giới hạn, thoát khỏi những sự thống trị diệt chủng, tàn phá, huỷ diệt sinh thái của nhóm 1% mang đến; cũng như sự ảo giác của tâm trí máy móc của chúng ta. Nhóm 1% đã đưa chúng ta đến tình thế này, như mang cừu đi giết thịt. Nhưng chúng ta có thể quay lại và đi đến tự do của chính mình. Để sống tự do. Để tự do suy nghĩ. Để tự do hít thở. Để tự do ăn uống. Hạt giống tương lai nằm ở trong tâm trí chúng ta, trái tim chúng ta, bàn tay của chúng ta”.

(Oneness vs 1% – Shattering Illusions, Seeding Freedom, Women Unlimited, New Internationalist, Il pianeta di tutti – Come il capitalismo ha colonizzato la Terra, Feltrinelli, El Planeta es de todos: Unidad contra el 1%, Editorial Popular, 1 % – Reprendre le pouvoir face à la toute-puissance des riches, Rue de l’échiquier)

References:
[1] https://www.trtworld.com/magazine/was-bolivia-s-coup-over-lithium-32033
[2] https://www.commondreams.org/news/2019/11/11/bolivian-coup-comes-less-week-after-morales-stopped-multinational-firms-lithium-deal
[3] http://www.navdanya.org/newsite/index.php?option=com_k2&view=item&id=343:universal-declaration-of-the-rights-of-mother-earth&Itemid=214&tmpl=component&print=1
[4] (Pg 116  Terry Gibbs, Why the Dalai Lama is a Socialist)[5](Source: https://theshiftproject.org/wp-content/uploads/2019/07/2019-02.pdf)

Ảnh @systemicalternatives.org