“Thầy cô thấy có người lạ tới, thì chạy ra can ngăn không cho đốn phượng…”

Tuần này mình làm việc ở các trường dưới quê nên có dịp dong dài ở cả thảy gần chục trường. Gặp các Thầy các Cô, lời hỏi thăm chào nhau đều y rang rằng đó là câu chuyện của cây phượng. Ngày xưa nói chuyện phượng là nói chuyện nghỉ hè, bây giờ nói chuyện phượng là đầy những tâm tư và hẳn là quyết sách, là phong trào chặt hay giữ. 

Có những câu chuyện giữ cây và đối thoại trong trường học nghe rất thương rất đáng trân trọng. Gánh nặng đặt lên vai người lãnh đạo nhà trường nhưng các Thầy Cô dưới quê mình ai nấy đều “tìm cách” chứ không giật mình ngay lập tức gọi thuê đội chặt cây. Đấy là cái quý khi ai nấy từ BGH cho tới giáo viên học sinh đều biết trân quý sự sống của cái cây gắn bó với mình. Quá trình trăn trở, rồi bàn bạc ngược xuôi đôi lúc nó mất công, nhưng nó không quy mọi thứ lập tức cái rụp về chặt hay để cho ngã đổ. 

Có trường nọ, cô hiệu trưởng thuê đội cây xanh đô thị vào kiểm tra đánh giá. Giáo viên đang dạy thấy thế lập tức chạy ra can ngăn, nhất mực xin đừng bỏ cây. Cô hiệu trưởng ở cái thế khó, với những điều xảy ra trước mắt, những cái nếu lỡ… Quý cây, nhưng nhắc đến sinh mạng con người, ai cũng lặng im. Cô lại hỏi vậy giữ thì làm sao. Mọi người bàn, rồi quyết sẽ gia cố. Mặc dù cái chuyện gia cố không biết đi tới đâu, hay chỉ là giải pháp tình thế. Nhưng mình thấy chuyện này thật hay. Xúc động là lúc cô kể chuyện mắt vẫn rưng rưng, ấy là cái tình cái tâm của người có trăn trở. 

Có trường khác cũng dễ thương không kém. Mình vừa vào trường đã gặp Thầy tổng phụ trách trước cổng. Nói một hồi về khu rừng trong trường, nhắc đến hàng phượng trong sân, thầy nói luôn “Phượng đổ một phần là do bứng chỗ khác về trồng, trồng từ cây lớn, nên bộ rễ không đủ vững chãi. Em xem hàng phượng ở kia là các thầy cô trồng từ lúc cái mầm bé tí bằng lóng tay. Mười năm rồi, cả trường đầy cây to, phượng lớn cũng khoẻ mạnh. Trồng phượng cần để ý tỉa cành, không để tán rộng. Thêm cả vì trường nhiều cây to, chúng nó cứ nương tựa nhau, nên gió bão vẫn khoẻ trong từng ấy năm.” Thấy thương cái tri thức về cây cối, cái sự hiểu thật sự về cái cây. Cây cũng như người, nương tựa mà sống.

Thầy mình phải xây lại trường. Chỉ đạo ở trên bảo bỏ bán cây phượng to đùng bằng 2 người ôm đi. Thầy quyết không bán, bảo cây to có tâm linh, có linh hồn, nên cắt tỉa gọn xăm xăm độ 4 mét cao rồi kiếm tiền gia cố. Đó, thương vậy. 

Cái cách làm của người có tình có hiểu bao giờ nó cũng có sự thận trọng và đắn đo. Khó, lâu, đau đầu – nhưng thật biết ơn các thầy cô đã chọn cách khó nhưng đầy suy tư để mà đi. Có suy tư thì có bàn bạc, có bàn bạc lại có những cách làm đa dạng lắm thay. 

Thiệt biết ơn.