Tình thương nảy nở từ sự thấu hiểu thì bình yên và lấp lánh lắm…

Đợt vừa rồi, mình có dịp đi đến các trường để trò chuyện. 
.
Các thầy các cô kể về những gốc phượng trong sân trường, những gốc phượng mà giờ đây xuất hiện trên khắp mặt báo như một nguy cơ đe dọa tính mạng của con người, những gốc phượng giờ đây chỉ như những cái cây tiềm tàng đầy rủi ro cần phải đốn bỏ.
.
Nhưng mà, ở quê mình, thầy cô lại nhắc đến chúng với một sự trăn trở, thận trọng và thương mến. Người ta trăn trở giữa việc giữ hay chặt, người ta trăn trở giữa mạng cây và mạng người, chẳng ai dám và cũng không thể đứng ra gánh hết trách nhiệm cho một sinh mệnh con người cả. Nhưng cái cây cũng là một sinh mệnh, cũng có đời sống của nó. Và cái cây, cũng là một phần của bao nhiêu thế hệ học sinh đi qua sân trường này. Cây, là một phần của hệ sinh thái quanh sân trường, là một phần của kí ức học trò lẫn giáo viên, chất chứa hằng bao câu chuyện của bao nhiêu mảnh đời lớn nhỏ. “Giữ hay chặt” vẫn là câu hỏi cần nhiều sự suy xét thận trọng.
.
Và mình vẫn nhớ mãi những lời kể của thầy tổng phụ trách đội một trường. Thầy nói: “Những cái cây dễ ngã đó là do người ta trồng khi nó lớn rồi, cái rễ nó không có bám sâu vào trong đất được nữa, với lại cũng không có đủ đất để cho nó phát triển, nó sẽ như bị hỏng chân, đứng không vững. Còn như ở trường này nè, hồi mười năm trước sân trường nắng lắm. Trường mới xây xong không có một bóng cây nào luôn, thầy cô đi qua đi lại là phải che dù che vở trên đầu. Rồi thầy cô mới bắt đầu trồng cây. Thầy trồng từ những mầm cây bé xíu nên giờ rễ nó cấm sâu vào lòng đất lắm. Với lại mình trồng nhiều cây, tụi nó nương tựa nhau mà sống, có ngã thì cây này đỡ cây kia, cũng hông có sao. Đó, như cái chỗ đó thầy cô hay gọi vui là cái khoảnh rừng nhỏ, vô đó ngồi là như đi Đà Lạt luôn, mát lắm, lát mấy đứa ra thử đi”. Ánh mắt thầy khi kể về những cái cây trong sân trường mình thấy nó lắp lánh niềm yêu thương, bởi thầy cô là những người tận tay vun từng gốc cây trong sân trường này, chăm sóc từng ngày, thầy cô hiểu được đời sống của một cái cây nó sinh trưởng thế nào, tính chất của mỗi cây nó ra sao, là loài cây dai hay cây giòn, mình trồng thế nào để giảm bớt nguy cơ cho học sinh. 
.
Thế nên khi sự “hiểu” chưa đi được đến vẹn toàn, người ta sẽ bị nỗi sợ xâm chiếm, còn khi sự “hiểu” được vun đắp dài lâu thì đâu đó niềm thương nảy nở, và lòng người cũng tràn ngập bình an.
.
Cái sự hiểu dẫn đến cái sự thương, nó không phải chỉ là giữa người với người mà còn là giữa người với cây cối, với muôn loài, với những gì ở quanh mình. Vì là hiểu, là thương nên làm bất cứ điều gì mình người ta cũng sẽ suy xét thận trọng chứ không vội vàng. Tình thương nảy nở từ sự thấu hiểu thì bình yên và lấp lánh lắm.

—–
HD.