Bỏ phố về quê: Chúng ta cần bỏ cái gì và sẽ về đâu?

Dạo gần đây, các xu thế “sống xanh, sống gần gũi với tự nhiên” được đặt chung vào một cụm từ “bỏ phố về quê”. Cụm từ này ngày càng được nhiều người nhắc đến và sử dụng như một trào lưu mới của xã hội. Đi kèm với sự gia tăng mức phổ biến rộng rãi đến công chúng thì không thể không kể đến việc chúng ta cũng đang lãng mạn hoá xu hướng “bỏ phố về quê”. Trong một bài hát rất nổi tiếng của một nghệ sỹ mà tôi yêu mến có đoạn “Nếu mà mệt quá giữa thành phố sống chồng lên nhau, cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”. Hàng ngàn bạn trẻ ôm trong mình giấc mộng cá rau đầy ắp trong khu vườn lung linh say giấc nồng. Liệu về quê có thật sự chỉ là xu thế cool ngầu thời thượng? Liệu bỏ phố sống xanh có phải chỉ là cuộc chơi của riêng người lắm tiền đủ điều kiện và muốn xê dịch không gian? Bài viết này của Rừng muốn chia sẻ thêm một góc nhìn về ý nghĩa thực sự của sự vận động mới này trong xã hội. 

Sự dịch chuyển về tâm thức

Khi cần tìm ra những triết lý ẩn đằng sau của “bỏ phố về quê”, tôi gặp không ít bạn trẻ đôi mươi ngưỡng mộ sự dịch chuyển về mặt không gian này. Họ phác hoạ đây không gì khác là một sự thay đổi về mặt địa lý. Thật sai lầm và bỏ sót cốt lõi nếu chỉ hiểu theo nghĩa đen của nó. Trong bài viết trên báo Tuổi Trẻ, chị Hằng Mai có đề cập như sau: “… Từ-phố-về-quê với họ không chỉ là sự chuyển dịch từ điểm A đến điểm B mà là từ bỏ một lối sống và lựa chọn một lối sống…”. Cụm từ này đang được dùng để miêu tả một hành trình dịch chuyển cả về nhận thức, hành vi lối sống và cả các mối quan hệ trong mạng lưới của các cá nhân. Điều này cần cả sự chuẩn bị dài đằng đẵng trước đó và sự dịch chuyển về địa lý chỉ là bước đi cuối cùng. Bạn càng xa cách với lối sống thuận tự nhiên bao nhiêu, thì sự chuẩn bị về mặt tâm thức và vật chất càng khắc nghiệt bấy nhiêu. Nên nếu chỉ dùng “đích đến” để nói về cả một hành trình như thế này, thì thật thiếu khách quan và có phần ảo tưởng. 

Hành trình học hỏi từ những người bạn thiên nhiên

Bây giờ hãy nhìn vào thực tế, quá trình dịch chuyển về không gian với chiếc ô tô dọn nhà và khả năng chi trả của bạn cho mảnh đất vài ha chỉ là một phần rất nhỏ của câu chuyện. Điều tiên quyết là sự xê dịch trong tâm thức – với hàm nghĩa là tâm trí, nhận thức và thế giới tâm linh của bạn. Đó là khi bạn chọn cho mình một tốc độ sống không giống ai, dành hầu hết thời gian để hiểu được chính mình, để từ đó mở ra sự kết nối thực sự với tự nhiên và mọi người xung quanh. Đó là khi bạn dành từng ngày một để quan sát mảnh đất nơi mình sống, lắng nghe các gốc chuối, rễ bần đang làm những nhiệm vụ thiêng liêng để nuôi dưỡng sự sống cho mình thay vì hàng giờ trên những chiếc màn hình đầy thư giãn. Đó là khi bạn cần nhìn thấy được mình trong viễn cảnh sống cộng sinh với hàng chục loại giun đất, sâu bướm, chuột đồng, vịt cỏ thay thế cho phân hoá học, thuốc xịt cỏ hay dung dịch diệt rầy. Đó là khi bạn vẫn cảm thấy rộn ràng dù phải chắt chiu từng giọt nước ngọt, đợi chờ mưa mát và trữ nước trong những hàng lu sành bên bờ nhà. Hàng năm trời, bạn tái tạo lại sự gắn kết với cộng đồng bản địa các cây các con nơi chốn quê này. 

Một hành trình sống có lúc rơi nước mắt, có khi đơm nụ cười

Hãy nhớ, hành trình này không hề dễ dàng, nó cũng đầy hoang mang, khốc liệt và “thất bại” như bao hành trình sống khác. Cái đói ăn, cơn khát nước sạch vẫn luôn là nguy cơ chung không chừa một ai. Cái khác nằm ở việc làm chủ tốc độ cuộc sống, gia tăng kết nối với các cây các con và tâm thế làm điều đó tự nhiên như hơi thở. Mảnh vườn có thể là nơi sinh lợi tức, nhưng lâu dài hơn nó là hệ sinh thái thu nhỏ gắn bó với đời sống tâm linh của bạn và gia đình. Không ít người đổ mồ hôi sôi nước mắt cho tới ngày nhìn thấy được chút ít thành quả cây trái buồng chuối, rổ cam. Và cũng không ít người nản chí trở đầu xe quay trở lại phố vì sự khắc nghiệt của hành trình. Tận hưởng “chill out” bên tách trà dưới bóng mát cây mít sau vườn nghe chim hót thì dễ dàng trong khoảnh khắc, nhưng gây dựng sự tôn trọng mảnh đất quê và sống được chan hoà với hệ sinh vật ở đó thì cũng trắc trở như bao hành trình khác. Bởi nó cũng là chuyện mà hầu hết chúng ta đã quên từ lâu, ấy là lắng nghe và hiểu về chính mình. 

Một sự lựa chọn không cần thúc ép

Đằng sau “bỏ phố về quê” chính là một lối sống mới mà chúng ta có thể hướng tới, điều này không biểu hiện chỉ cho sự dịch chuyển về không gian, không biểu hiện cho một “xu thế thời thượng”. Nếu chỉ nói về nó như một thứ để “dán mác” cho bản thân rằng ta hiện đại và đi trước thời đại thì thật ngạo mạn, bởi những nỗ lực cho hành trình này là một sự dũng cảm và kiên cường trong một xã hội vận hành theo dòng chảy tư bản với sự tối thượng của “mua nhanh-dùng nhanh-vứt nhanh”. Hành trình của tâm thức này có khó khăn nhưng không phải không thể làm được. Xin hãy hiểu về nó đã, trước khi can đảm lựa chọn. Không ai đốc thúc ai hay hối ép ai, nhưng khi đã chọn hãy dấn thân đi tới cùng với nó. Mình tin hành trình tìm lại mình và sự kết nối với các loài chắc chắn là hành trình có sự đẹp và ý nghĩa hơn bao giờ hết. 

Nếu quay lại câu hỏi “Bỏ phố về quê: chúng ta sẽ bỏ cái gì và sẽ về đâu?”. Mình sẽ nói rằng bỏ được cái gì thì bỏ vì nó là hành trình buông bỏ suốt đời, cho tới khi ai đấy thấy mình về được về với chính mình. 

Lời kết bài mình muốn nói rằng mình thích hàm nghĩa của từ “trăm hoa đua nở”. Ý chỉ mỗi một người được tự do lựa chọn lối sống phù hợp cho mình, xã hội vì thế trở nên đa dạng hơn. Khi thực sự nghĩ về cuộc sống một cách có trách nhiệm và đầy tình thương, bạn sẽ thấy sự chữa lành cứ thế mà lan đi lan đi thật ngộ nghĩnh. 

Người viết: T Pinky