Yuval Noah Harari bàn luận về COVID-19: ‘Mối nguy hiểm lớn nhất không phải là bản thân virus’

Lời người dịch: Bản tiếng Anh đăng tải trên dw.com hồi 22/04/2020 và được lược dịch bởi nhóm Cây Rừng ‘Mylu – Hoàng Minh – Hoàng Dung – Trang Trần – QQ’

Một cuộc khủng hoảng có thể là bước ngoặt cho một xã hội. Đâu là con đường cho chúng ta? Giáo sư Yuval Noah Harari, người sở hữu công ty đã quyên góp 1 triệu đô la cho WHO, lý giải các quyết định của chúng ta trong đại dịch sẽ thay đổi tương lai chúng ta như thế nào.

DW: Thưa giáo sư Harari chúng ta đang đứng giữa đại dịch toàn cầu. Điều gì làm giáo sư lo lắng nhất về cách thế giới đang thay đổi? 

Yuval Noah Harari: Tôi nghĩ mối nguy hiểm lớn nhất không phải là virus. Nhân loại có mọi kiến thức khoa học và công nghệ để ngăn chặn vi rút. Vấn đề thật sự lớn đến từ nội tại con người, thù hận, lòng tham và sự thiếu hiểu biết của chính chúng ta. Tôi e rằng mọi người đang phản ứng với cuộc khủng hoảng này không phải bằng sự đoàn kết toàn cầu, mà bằng sự thù hằn, bằng cách đổ lỗi cho các quốc gia khác, cho các cộng đồng và tôn giáo thiểu số.

Nhưng tôi hy vọng chúng ta sẽ có thể mở rộng lòng trắc ẩn thay vì thù hận để xây dựng sự đoàn kết trên toàn cầu. Chính điều này sẽ vun đắp sự hào sảng, từ đó chúng ta sẽ có thể cùng nhau giúp đỡ những người có nhu cầu. Và từ đó, chúng ta cũng sẽ tăng khả năng phân biệt sự thật giả và không tin vào tất cả thuyết âm mưu này. Nếu chúng ta làm điều đó, tôi không nghi ngờ rằng chúng ta có thể dễ dàng vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Như giáo sư đã nói, chúng ta đang đối mặt với sự lựa chọn giữa giám sát toàn trị và trao quyền công dân. Nếu chúng ta không thận trọng, đại dịch này có thể trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử công nghệ giám sát người dân. Nhưng làm thế nào tôi có thể giữ tâm thế thận trọng đối với thứ gì đó còn đang nằm ngoài tầm kiểm soát của mình?

Nó không hẳn nằm ngoài tầm kiểm soát, ít nhất là trong một nền dân chủ. Bạn là người bỏ phiếu cho chính trị gia và các đảng làm chính sách. Vì vậy, bạn có một số kiểm soát nhất định trong hệ thống chính trị. Ngay cả khi không có bầu cử, các chính trị gia vẫn có áp lực phản hồi với công chúng.

Khi công chúng thấy sợ hãi trước dịch bệnh và muốn có một nhà lãnh đạo cứng rắn đứng ra xử lý, thì những nhà độc tài sẽ dễ dàng xuất hiện và thâu tóm việc này. Và mặt khác, khi một chính trị gia đi quá xa, sức mạnh từ công chúng hoàn toàn có thể đẩy lùi và từ đó ngăn chặn những diễn biến nguy hiểm có thể xảy ra.

Làm sao tôi biết mình có thể tin vào ai, hay tin vào điều gì bây giờ?

Hãy nhớ rằng bạn có kinh nghiệm. Nếu các chính trị gia của bạn đã nói dối trong một vài năm, thì trong tình huống khẩn cấp này bạn có ít lý do để tin họ. Hơn nữa, bạn có thể đặt câu hỏi về các giả thuyết mà mọi người đang bàn đến. Nếu có ai nghĩ ra một vài thuyết âm mưu về nguồn gốc và sự lây lan của vi-rút Corona, hãy hỏi xem người đó có giải thích được thế nào là một con vi-rút và nó gây bệnh cho chúng ta như thế nào hay không? Nếu không giải thích được, cũng đồng nghĩa là người đó không có kiến thức nền tảng về khoa học, vì thế đừng tin bất kỳ điều gì anh ta nói về vi-rút Corona. Bạn không cần bằng Tiến sĩ Sinh học, nhưng bạn cần một số hiểu biết cơ bản về khoa học về những điều này. 

Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến các chính trị gia dân túy đả kích giới khoa học, họ nói rằng các nhà khoa học là tầng lớp tinh hoa xa xôi, sống cách biệt với người dân; các bàn luận về những điều như biến đổi khí hậu chỉ là một điều lừa bịp, nên chúng ta đừng nên tin họ. Nhưng trong thời khắc khủng hoảng với bình diện toàn cầu thế này, chúng ta thấy được rằng mọi người càng tin tưởng khoa học hơn bất kì điều gì khác.

Tôi hy vọng chúng ta sẽ ghi nhớ điều này không chỉ trong cơn khủng hoảng này, mà còn sau khi khủng hoảng đã đi qua. Rằng chúng ta nên quan tâm đến việc cung cấp các kiến thức khoa học cần thiết cho học sinh về thế nào là vi-rút và thuyết tiến hóa. Và hơn nữa, khi các nhà khoa học cảnh báo chúng ta về những điều khác, như là biến đổi khí hậu và sự sụp đổ của hệ sinh thái, chúng ta cũng sẽ nhìn nhận những lời cảnh báo đó với mức độ nghiêm trọng tương tự như những gì chúng ta đang làm với đại dịch vi-rút Corona.

Nhiều quốc gia đang triển khai hệ thống giám sát kỹ thuật số nhằm ngăn chặn virus lây lan. Những hệ thống này được kiểm soát như thế nào?

Bất cứ khi nào có sự tăng cường việc giám sát công dân, thì cũng nên đi đôi với việc tăng sự giám sát đối với chính phủ. Trong cuộc khủng hoảng này, chính phủ đang vung tiền như nước. 2000 tỷ đô la ở Mỹ, hàng trăm tỷ euros ở Đức và còn hơn thế nữa. Là một công dân, tôi muốn biết ai đang là người ra quyết định và tiền đi về đâu. Liệu tiền có đang được sử dụng để cứu trợ các tập đoàn lớn đang gặp vấn đề, thậm chí những vấn đề này còn có trước bệnh dịch do những sai lầm của họ hay không? Hay tiền được sử dụng để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ, nhà hàng, cửa hàng hay các cơ sở tương tự?

Nếu chính phủ quá khao khát có nhiều quyền giám sát, sự giám sát này nên đến từ cả hai. Nếu chính phủ cho rằng ‘điều đó quá phức tạp, chúng tôi không thể công khai toàn bộ các giao dịch tài chính’, bạn có thể nói ‘Điều đó không phức tạp’. Tương tự như cách các chính phủ có thể tạo ra một hệ thống giám sát khổng lồ để biết được tôi đi đâu mỗi ngày, việc tạo ra một hệ thống công khai chính phủ đang sử dụng tiền thuế của tôi để làm gì thì có lẽ còn đơn giản hơn.

Có phải điều đó hiệu quả bởi nó phân chia sức mạnh và không để quyền hạn tập trung vào một cá nhân hay một tổ chức?

Chính xác. Có một ý tưởng đang được thử nghiệm nhằm muốn cảnh báo cho mọi người biết khi họ đã từng/đang ở gần một bệnh nhân nhiễm vi-rút Corona. Có hai cách để làm việc này: Một là chính quyền trung ương thu thập thông tin về tất cả mọi người và sau đó phát hiện ai là người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 và cảnh báo cho bạn. Một phương pháp khác là để cho điện thoại được truyền tin trực tiếp với nhau, không thông qua một cơ quan hay chính quyền trung tâm nào cả. Một khi tôi đến gần một người nhiễm Covid-19, thì điện thoại của anh ấy hoặc cô ấy và điện thoại của tôi sẽ truyền tin cho nhau và tôi nhận được cảnh báo. Lúc đó, không có cơ quan hay chính quyền trung ương nào phải nắm toàn bộ thông tin và theo dõi tất cả mọi người.

Công dân Đức tự nguyện đóng góp dữ liệu về vi-rút Corona thông qua ứng dụng theo dõi trên điện thoại được xây dựng bởi Viện dịch tễ RKI

Các hệ thống giám sát có thể khiến cuộc khủng hoảng hiện tại tiến thêm một bước, đến một khái niệm giám sát “dưới da”. Vì vậy, giống như bề mặt không thể chạm tới của cơ thể chúng ta, da đang nứt nẻ. Làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát điều đó?

Chúng ta cần rất, rất cẩn trọng với điều này. Các hệ thống giám sát “ngoài da” đang theo dõi những việc bạn đang làm ở thế giới bên ngoài, chẳng hạn như bạn đi đâu, bạn gặp ai, bạn xem gì trên Tivi hay bạn hay truy cập vào các trang web nào. Hệ thống này không đi sâu vào cơ thể bạn. Nhưng hệ thống giám sát “dưới da” thì lại đang theo dõi xem chuyện gì đang xảy ra bên trong cơ thể bạn. Bắt đầu bằng nhiệt độ cơ thể, nhưng sau đó nó sẽ xem xét đến huyết áp, nhịp tim và các hoạt động não bộ. Một khi đã như vậy, bạn sẽ có thể biết được rất nhiều về con người, nhiều hơn so với trước đây. 

Bạn sẽ có thể tạo ra một chế độ toàn trị chưa từng có trước nay. Nếu bạn biết tôi đang đọc cái gì hay xem gì trên Tivi, bạn sẽ biết thị hiếu nghệ thuật, quan điểm chính trị cũng như tính cách của tôi. Chỉ như vậy thôi thì vẫn còn hạn chế. Bây giờ, hãy nghĩ đến việc bạn có thể thực sự theo dõi nhiệt độ cơ thể hay huyết áp và nhịp tim của tôi khi tôi đang đọc một bài báo hay xem một chương trình tivi, hoặc chương trình trực tuyến. Giờ thì bạn có thể biết cảm nhận của tôi từng lúc đó rồi. Điều này có thể sẽ dễ dàng dẫn ta đến một thế giới toàn trị đầy tệ hại. 

Chuyện này cũng không phải chắc chắn sẽ xảy ra. Chúng ta có thể ngăn chặn được. Nhưng để làm điều đó, trước tiên chúng ta phải nhận ra được mối nguy này, thứ hai là phải thận trọng trước những việc chúng ta đồng thuận cho phép xảy ra trong bối cảnh các tình huống khẩn cấp hiện nay.

Cuộc khủng hoảng này có thay đổi đánh giá của giáo sư về viễn cảnh của nhân loại trong thế kỉ 21 không?

Chúng ta không biết được, vì nó phụ thuộc vào quyết định của chúng ta ở thời điểm này. Có nguy cơ “tầng lớp vô dụng” sẽ gia tăng đáng kể do cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Chúng ta có thể thấy rằng hiện tại tự động hóa đang gia tăng, robot và máy tính ngày càng thay thế con người nhiều công việc trong cuộc khủng hoảng này. Lí do là con người bị cách ly trong nhà và có thể bị nhiễm bệnh nhưng robot thì không. Chúng ta thấy rằng các quốc gia có thể đi đến quyết định rút một số ngành công nghiệp về nước thay vì dựa vào các nhà máy ở các nước khác. Vì vậy, có vẻ như cả tự động hóa và phi toàn cầu hóa đã khiến có một nhóm người đột nhiên bị mất việc, đặc biệt là ở các nước đang phát triển dựa vào lao động thủ công giá rẻ vì những công việc này đã được tự động hóa hoặc chuyển đi nơi khác.

Và điều này cũng có thể xảy ra với các nước giàu. Cuộc khủng hoảng này đang tạo ra những thay đổi to lớn trong thị trường lao động. Mọi người làm việc tại nhà, làm việc trực tuyến. Nếu chúng ta không thận trọng, nó có thể dẫn đến sự sụp đổ thị trường một cách có tổ chức, ít nhất là trong một số lĩnh vực công nghiệp. Nhưng đó không phải là điều chắc chắn xảy ra mà là một quyết định chính trị. Chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra quyết định bảo vệ quyền của người lao động ở nước ta trong tình huống này, thậm chí trên toàn thế giới. Các chính phủ đang đưa ra những gói cứu trợ cho các ngành công nghiệp và các tập đoàn. Họ có thể tạo điều kiện để bảo vệ quyền của người lao động. Vì vậy, câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào các quyết định của chúng ta.

Nhà sử học trong tương lai sẽ nói gì vào thời điểm này?

Tôi nghĩ những nhà sử học tương lai sẽ xem đây là một bước ngoặt lịch sử của thế kỷ 21. Tuy nhiên mọi hướng đi tiếp theo đều tùy thuộc vào quyết định của chúng ta. Không có gì là chắc chắn cả.

Giáo sư Yuval Noah Harari là tác giả 03 quyển sách: Lược sử loài người, Lược sử tương lai và 21 bài học cho Thế kỷ 21.