Thương gửi đứa trẻ trong mình

Có những ngày ẩm ương, cứ muốn vùi mình trong nhà. Thời gian dài giãn cách xã hội, có thời gian cho bản thân, chăm chút từng cảm xúc bé nhỏ bên trong mình. Ta tận hưởng nhịp đời trôi chầm chậm, ta đi từ từ, chậm rãi từng bước một, vào bên trong của chính mình. Ta khoan khoái khi cảm được cái nhịp điệu đất trời, ta hài lòng và ngỡ rằng mình đã tìm được điểm cân bằng cho cuộc sống, rằng dẫu sau này đời có đẩy đưa thế nào thì ta cũng đã bớt chông chênh.

Nhưng rồi, giãn cách xã hội không còn, nhịp đời nhanh lại, xe cộ tấp nập, dòng người hối hả xuôi ngược, ngược xuôi. Ta lại quăng mình vào dòng chảy ngoài kia, quay lại với cuộc sống trước đây.

Ta ngỡ mình vững vàng. Nhưng, là một chữ “ngỡ”. Khoác lên mình bộ đồ công sở, ngày mười tiếng phơi mặt ra với đời sau lớp vỏ bọc, dường như cái nhịp chuyển mạnh mẽ này làm ta hẫng đi, bối rối. Ta mắc kẹt giữa những hệ thống, những quy trình, giữa lòng người nóng vội. 

Bỗng dưng đứa trẻ bên trong ta kêu gào. Nó khóc thét vì sợ ta buông tay sao bao ngày nỗ lực nắm lấy. Rồi ta à một tiếng thật to. Ta ngỡ thời gian qua đủ để ta đi ra ngoài hay đi vào bên trong, có đứng yên tĩnh lặng hay chạy nhảy lung tung, thì ta vẫn có thể nắm chặt tay nó, bình thản. Nhưng mà không, ta vẫn buồn, ta vẫn bức bối, ta vẫn giằng xé, ta vẫn đau khổ.

Để tâm bình thản, để đứa trẻ trong ta mỉm cười mỗi ngày thức giấc, hẳn sẽ là một hành trình dài đòi hỏi nhiều can đảm buông bỏ từ vật chất hoặc nghĩa tình hay có khi là cả hai. Đó là hành trình ta can đảm sống thật với chính mình, để cả hai cùng đồng điệu về cảm xúc, tìm ra điểm cân bằng, tự nhiên, không cần mong cầu, gắng gượng che đậy.

Thôi thì, những ngày như thế này, ta gọi đó là những ngày “giao mùa”. Ta biết ơn nó vì nó cho ta nhận biết trong ta đang khao khát đổi thay, tâm ta đang thôi thúc ta hành động, để rồi ta nuôi can đảm. Hoặc giả, nó đơn giản chỉ là một trong vô số những ngày dài ẩm ương của ta hiện tại. 

Nhưng ít nhất, ta cảm ơn vì đã nghe thấy đứa trẻ trong mình bật khóc. 
—–
HD