Chuyện hạn mặn – Đau ở đâu thì chữa ở đấy
Tiến trình nào cho một Đồng bằng “phát triển bền vững”?
Độ chừng mấy năm trở lại đây thấy cơ thể mình hông có hạp nắng. Mỗi năm kiểu gì cũng có mấy ngày sức khoẻ lao dốc vì mấy ngày chuyển mùa hoặc nắng cường độ cao. Ấy là để hiểu rằng cơ thể mình nhạy cảm và cũng rất giỏi ứng biến, có nhiều cách phản hồi thông báo cho mình hay. Thấy trong người không khoẻ thì biết lịch trình chế độ làm việc sống học ăn uống đang không ổn đâu đó. Biết vậy để điều chỉnh chứ hông có vin vào mấy viên thuốc cho qua cơn đau đầu lúc đó mà chủ quan bỏ qua.
Bởi, một cơn đau lúc này là do cơ thể mệt nhọc từ nhiều lúc trước.
Cũng giống như cơn hạn, đợt mặn năm nay là biểu hiện của sự trồi sụt của nhiều vấn đề mang tính cấu trúc xã hội, xâm phạm các mối liên kết sinh thái và sự sai trái trong các hành vi cá nhân và đánh mất tập tục canh tác bền vững của các cộng đồng.
Đau sốt là chuyện của trời cũng của mình. Nhưng không đổ vào đó mà than trời trách đất đổ hết cho thiên tai. Hiểu là mình sống tức mình đang để lại những dấu vết khắp hệ sinh thái. Đau là do mình.
Đau ở đâu thì phải uống thuốc ở đó, hông có làm tầm bậy tầm bạ lung tung lấy râu ông này lắp cằm bà kia được.
Mang hết cái đê điều vĩ đại sông Hồng lắp vô cái địa tầng ĐBSCL thì vừa thô kệch tạo thêm vấn đề, vừa biểu hiện thiếu thấu hiểu câu chuyện.
Cái gì tự nhiên thì trả về tự nhiên. Cái gì do mình đổi lòng đổi dạ thì mình phải kiếm cách bù đắp lại. Có vay thì có trả mà.
Mình có mấy cái note nhỏ trong đầu như vầy về một phần chuyện phát triển của đồng bằng.
1- Các mảng rừng ngập mặn ven biển cần được chú trọng hơn. Nhiều vùng dân đang tự trồng tự chăm, rất tốt, chủ yếu do dân mình đang còn sản xuất và khai thái. Nhưng cái quy hoạch của từng tỉnh phải tính tới cái này, để đảm bảo có ai đó luôn chăm sóc nó. Rừng là cái chỗ giữ đất, giữ nước, giữ cả cái niềm tin lớn lao của xã hội về sự tồn tại của đồng bằng.
2- Nước ngầm khai thác thế nào thì cần quản lý. Đợt rồi có ông xã đoàn nọ phát động tháng Ba tháng thanh niên, ổng hô hào dân đi đào giếng hàng loạt để trữ nước ngọt. Cái ý tưởng tầm bậy này rơi vô tay một nhóm được trao quyền lực lại trẻ khoẻ thì hại dân, hại đất, hại cả cộng đồng lắm luôn. Riêng cái này trước nay toàn làm theo kinh nghiệm dân gian. Thấy chiếc giếng mấy chục năm xóm bên cạnh mà giờ đòi đào thêm vài cái trong xóm mình thì thua. Cái tri thức hồi xưa nó chỉ ra cái giếng xưa là cần, lúc đó mép biển còn xa, rừng phòng hộ còn dày, hệ động thực vật địa phương cũng khác (xem Đất rừng phương Nam, Đoàn Giỏi), còn giờ làm ông cần nghiên cứu như người xưa chứ oang oang hô hào dân tui lại nghe theo thiệt. Cần có sự quan tâm đúng mức về nước ngầm, giếng khoan.
3- Quy hoạch kinh tế lúa thiệt sự đáng nhìn lại, tìm cái điểm vừa cân bằng giữa chỉ tiêu xuất khẩu, an ninh lương thực cả nước, sinh kế bà con trong chuỗi giá trị, khả năng cung cấp nguồn nước ngọt, lại cần giữ được đất tự nhiên – chắc chắn đâu có dễ. Vậy nên cách làm càng đơn giản hoá, giản lược bớt thì càng mắc sai lầm. SGK địa lý vẫn còn nhấn mạnh tiềm năng lúa gạo, vậy thì cũng cần mở cho các em biết về cái được cái mất của việc tối đa hoá tiềm năng này. Ý ở đây là, quá trình chuyển dịch kinh tế đồng bằng có nhiều gương mặt hiện diện lắm, cần cố gắng lý giải và huy động cái trí tuệ tập thể, cái tri thức của dân bản địa. Người nông dân cũng cần được giải phóng ra khỏi hình ảnh chân lấm tay bùn ngày ngày chờ đợi cán bộ khuyến nông đến đưa hạt giống hay phổ biến thuốc trừ sâu nào hại nào lợi. Chứ cứ áp cái chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu thiên về số lượng, trong khi lại thiếu vắng việc tiêu chuẩn hoá sản phẩm (xanh, sạch, an toàn) thì giống như cứ tuyên truyền khuyến sinh mà chât lượng an sinh cuộc sống lại kèm. Cái cổ hai tròng cho người nông dân nếu sụp bẫy, vừa cố công nghệ kỹ thuật cải tạo hệ sinh thái tới mức biến dạng như hiện nay, chỉ để chạy theo cái số lượng, nhưng nào có đáp ứng được hết tiêu chuẩn đầu ra. Phải làm tốt từ cái lõi, ấy là sản xuất tốt từ chất lượng cho nội địa, để khi thừa thì ta bán cả phần tốt đó cho bên ngoài. Chuyện này cô Kim Hạnh nói mãi, nhưng chắc vẫn phải lặp đi lặp lại nhiều trong mấy năm tới nay mới mong có các bên vào cuộc xử lý cái nghịch lý này. Quy hoạch thuận thiên ở đâu khi lúc nào cũng đẩy số lượng lên đầu, mà tự nhiên nó có điểm cân bằng giới hạn của nó. Càng tìm cách len lỏi vào ngóc ngách, càng nhìn được cái mấu chốt của vùng.
4- Miệt vườn bây giờ lớn mạnh, bởi vai trò cây trái địa phương được khẳng định. Miệt này lại toàn cây lâu năm, cơ hội lớn mà thách thức cũng cao. Cái đợt mặn này thành ra trở thành mùa thu lá bay với dân vườn. Khóc không ra nước mắt. Ai chủ động được thì thấy rõ đỡ nhọc đỡ mất hơn. Nhưng chủ động đến mấy cũng không chịu nổi cái bất thường của tự nhiên ngày càng nhiều. Tự trữ được vài tuần, đến lúc cũng phải mua nước từ xà lan, mà tiền đâu mua hoài được? Hàng đống chôm chôm, mít, xoái, sầu riêng… rụng trơ lá như ngày đưa bước chân em vào mùa thu. Cái chuyện khuyến khích các công nghệ, giải pháp trữ nước ngọt chắc cần tính nhiều hơn cho miệt vườn, chứ ko chỉ có cây lúa.
Tóm lại là, ở góc nhìn của người dân thì có mấy ý:
1. Muốn đào thoát thì trước hết cách nghĩ phải thông, ấy là phải từ sự hiểu, sự am tường câu chuyện nhỏ trong bức tranh to. Mình cực kỳ nhấn mạnh SỰ HIỂU. Ông quy hoạch, chị vận động, cô truyền thông,… gì đi nữa cũng cần dành thời gian cho chuyện hiểu bối cảnh, hiểu câu chuyện, hiểu tới cái ngách của từng vùng từng miệt.
2. Muốn thấy ánh sáng thì phải gieo cho nhau hy vọng, trước hết là niềm tin. Mở không gian để nghe nhau, nói nhau, rồi bàn luận bàn bạc không loại trừ ai từ nhà nông, nhà vườn, nhà khoa học, nhà truyền thông giáo dục, nhà kinh doanh, người làm chính sách. Cái quy hoạch vùng của mình họp nhiều, nhưng không work nổi với các tình huống thảm hoạ như thế này. Cần xây dựng NIỀM TIN. Phải có niềm tin thì mới đi tiếp với nhau, mới dám cho nhau ngồi vào bàn thảo luận.
3. Khoa học không phải tất cả, nó là đức tin mới của thế kỷ 20-21, nhưng kèm theo tri thức bản địa, sự đoàn kết cộng đồng, tinh thần công dân tự thân, cái trách nhiệm của người làm chính sách, các nguồn lực của xã hội tất thảy gom lại mới là đủ đầy các trụ cột của ngôi nhà. Muốn dựng nên nhà khoẻ bền, thì trụ cột nào cũng không thể thiếu. Nhiều hướng tiếp cận theo kiểu chắc nịch khoa học, chủ yếu là công trình ngăn chặn các tác hại của hạn mặn, thành ra lại phản tác dụng. Sự chắc chắn nhất là không có một yếu tố nào chắc chắn đảm bảo cho cả tiến trình cả, nó cần là một tiến trình có nhiều bên tham gia. Mỗi bên cố gắng làm tốt nhất tối đa phần mình.
Câu chuyện còn dài, mong mọi người kiên nhẫn. Cũng không vội vàng gì, lòng tốt có thể chờ được nuôi dưỡng lâu bền. Như rượu ngâm lâu ngày hay nước tương cũng cần đến độ mới lấy dùng thì mới thấy ngon. Cái quá trình này là thứ mình đang thiếu vắng, mong mọi người chung tay cho tiến trình khá khó khăn nhưng vẫn nhiều hy vọng này.
Rừng đang đi các miệt, để nghe để quan sát và để hiểu. Rừng tin có hiểu thì mới có thương. Câu cửa miệng bà con mình giờ hay hỏi: Làm gì để “cứu” đồng bằng? Ấy là nuôi dưỡng sự hiểu và sự thương chứ đâu ☺️🍃
—-
Ảnh rạch nhỏ bên Chợ Lách, mình có đi ngang hôm nay. Phần này rạch giữ nước yên, vì mặn nên bà con đóng lại không cho vào trong. Tới tối nay nếm nếm thì nước lợ lại rồi, chắc sắp lại sống.