Nằm, ngồi, nghe, nghĩ
Mỗi người đều đang ở những độ tuổi khác nhau, mục tiêu cuối đời khác nhau hoặc kể cả là chưa có, nhưng chúng ta đều là người sử dụng thời gian. Vậy, ở thời điểm hiện tại, khi không một cá nhân nào sở hữu nhiều thời gian hơn, không một cá nhân nào biết chia sẻ cách thức sử dụng thời gian phù hợp và hiệu quả đến mức từng thớ cơ và từng bộ phận trên cơ thể đều đồng thuận với quyết định của ta. Thì việc cảm nhận và nói chuyện với chính chúng ta từ bên trong mang lại sự định hướng và sự cảm thông lớn lắm.
Cái bên trong rất sâu, rất sâu ấy,… sâu đến mức ta như nhìn được cái cốt của bản thân đang nằm im lìm chờ được ta tĩnh lại, sà xuống, và khẽ chạm vào. Có thể nó là sự thôi thúc ta nhận ra cái đẹp của bản thân, có thể nó là nỗi đau ngày cũ chưa được giải quyết, có thể nó là tiếng cười vang khi ta vui, cũng có thể là niềm đau ngọt lịm khi ta buồn. Nó ở đó thi thoảng quậy nhảy tưng tưng làm ta muốn cười, muốn khóc, muốn thể hiện cảm xúc mãnh liệt, muốn nhắm mắt hét lên, hoặc chỉ là muốn ôm trọn lấy người ta thương và mỉm cười yên bình.
Chắc có lẽ, đây là lúc ta ngồi lại, mượn dòng suy nghĩ lúc không có ai ở bên, để thả trôi vào vùng ký ức. Để khi trở lại thực tại, ta biết tại sao ta là ta, ta làm như thế, ta cư xử như vầy, ta mong muốn khát khao điều gì chưa có trong cuộc đời.
Một lối nhỏ ví dụ về việc thả trôi và đi vào niềm vui đó là khi mình nhớ được lại cảm giác nhận cuốn truyện mà mình yêu thích từ lâu. Nó làm mình vui. Vì mình đã muốn đọc nó từ lâu. Và vì mình lúc còn bé chưa có đủ tiền mua nó.
Hoặc mình đến được cái ngày mà mẹ dẫn mình đi chơi, mình còn là đứa bé mang quần trắng và áo sơ mi bé xiu, mẹ ôm mình vào lòng và mình quàng tay thật rộng để ôm mẹ ở công viên, miệng cười khúc khích. Rồi quay về thực tại, ta biết được khi lớn lến có thể do ta học nhiều chữ nhiều khái niệm quá, hoặc chỉ có thể do kết nối từ phía ta đến mẹ lỏng dần đi mà ta không nhận ra để kéo gần lại, cũng có thể là do ta lựa chọn phải kéo gần lại một mối quan hệ sẽ theo ta cả cuộc đời là chồng là vợ mà ta phải tạm nới lỏng một chút sự kết nối với mẹ, vô vàn lý do để ta quên mất ta có lý do để cười và cảm nhận yêu thương.
Khi ta luôn biết ta được yêu thương, ta sẽ vững vàng khám phá rồi cho đi, nhận lại yêu thương. Và cũng khi đó ta luôn có lý do để cười. Vì ta biết cảm nhận hạnh phúc từ chính ta, và cảm nhận niềm vui của người khác.
Nói đến niềm vui, ta cũng trân trọng được nỗi buồn. Vì niềm vui như người thầy ân cần, còn nỗi buồn như người thầy chểnh mảng để ta phải tự ngồi ôn lại và tự dắt ta đi.
Nói thế nào nhỉ, nỗi buồn có cả từ chính bản thân ta tạo ra và từ người khác mang đến. Nếu là người khác mang đến, nó có thể được từ chối. Nhưng vẫn tồn tại những nỗi buồn từ những người ta không kịp hay không thể từ chối, những người ấy chắc hẳn đều đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời ta.
Có thể kể đến một câu chuyện về người bố nóng tính và dùng cảm xúc tiêu cực của bản thân để dạy dỗ ta hồi bé, hoặc cũng có thể là một nửa lớn lao kia của ta trong lúc nóng giận đã dồn nén hết những gì xấu xí nhất anh ấy/cô ấy biết để tấn công ta. Những khoảnh khắc ấy đau đấy, và chả ai muốn động vào gai của hoa hồng thêm một lần nữa, sau khi nó đã khiến mình phải rụt tay lại và suýt xoa rồi. Nhưng cũng như niềm vui, nó vẫn sẽ là tấm gương giúp ta nhìn lại được bản thân mình. Ta nhìn vào niềm vui ta biết tại sao ta vui, ta nhìn vào nỗi buồn ta biết tại sao ta buồn. Lần này hy vọng mình sẽ chạm vào gai không trực diện nữa, mà thử lách qua một chút, tiếp cận nó nhẹ nhàng từ phía thân của cái gai xem, thậm chí có thể cầm được cả cái gai hoa hồng ấy lên ấy nhỉ?
Về với ví dụ về việc người ta thương nói những lời nhọn hoắt, gai cũng mỏng manh lắm, vì nó nhỏ và nhọn, vậy nên nó cũng dễ bị bẻ gãy. Con người khi xù lông nhọn hoắt cũng vậy, tâm trạng họ lúc ấy không ổn định và thường không biết mình đang làm gì, và cần phải làm gì, đương nhiên những lúc ấy họ cũng dễ tổn thương nhất. Khi người kia nói những lời không hay, ta ngẫm lại sau khi sàng và lọc từng con chữ không hay đi, chỉ vỏn vẹn lại nội dung và nếu may mắn ta sẽ biết nó đúng ở đâu, sai ở đâu. Hoặc đó chỉ là những lời không ý nghĩa và ta dễ dàng bỏ qua nó như thả một tảng đá trên lưng ta bấy lâu vậy, để còn chỗ cho những tảng đá mới sắp được thả xuống chứ nhỉ?
Nhưng bài viết này hy vọng sẽ giúp người đọc đọng lại và áp dụng được dù là nhỏ nhất cách quan sát hành vi bản thân. Khi ta nhận những lời nói sắc lém ấy, ta buồn tức là ta bị nó chém, vậy ta đã phản ứng lại như thế nào? Ta khóc? Ta ngạc nhiên? Ta bật chế độ phòng thủ và tấn công trở lại? Ta trở nên điên dại? Hay ta né ra nơi khác? Ta trấn tĩnh đối tượng kia lại? Ta có cảm nhận được nguồn núi lửa tự nhiên sục sôi phía sau gáy? Hay ta chỉ ồ lên một tiếng và thở dài? Cách ta phản ứng lại cũng là cách ta hiểu toàn bộ cơ thể mình đầu tiên, và nếu đã hiểu và đưa ra được quyết định của cơ thể mình một cách chủ động nhất thì ta có thể hiểu việc gì đang diễn ra và “xa vời” hơn là điều khiển được tình hình.
Người viết: Hoàng Nam