The Coronation* – Thế giới thời Corona | Charles Eisenstein
Bản dịch bài viết The Coronation của tác giả Charles Eisenstein.
- Bản ghi âm tiếng Anh: https://charleseisenstein.org/voice-recordings/the-coronation/
- Bài viết tiếng Anh: https://charleseisenstein.org/essays/the-coronation/
Trong nhiều năm, những chuẩn tắc thông thường đã bị kéo giãn tới điểm đứt gãy, như một sợi dây thừng bị kéo mỗi lúc một căng, chỉ chực chờ một con thiên nga đen tới mổ cho một phát là đứt thành hai. Giờ khi sợi dây đã đứt rồi, liệu chúng ta nên buộc hai đầu bị đứt lại với nhau, hay nên tháo các lọn thừng, thử xem ta có thể dệt nên được gì khác không?
Covid-19 cho chúng ta thấy một khi loài người đoàn kết lại dưới một động cơ chung, những thay đổi lớn và nhanh chóng là hoàn toàn khả thi. Về kỹ thuật mà nói thì không một vấn đề toàn cầu nào là khó giải quyết, cái khó nằm ở sự bất đồng ý kiến giữa người với người. Một khi đã đồng lòng thì sức mạnh sáng tạo của con người là không giới hạn. Chỉ vài tháng trước thôi, một đề xuất tạm dừng di chuyển bằng đường hàng không nghe còn có vẻ ngớ ngẩn. Tương tự như vậy, những thay đổi triệt để về các mảng như hành vi xã hội, kinh tế, và vai trò của chính phủ đối với đời sống người dân cũng đang được thi hành. Covid chứng minh sức mạnh của ý chí tập thể khi chúng ta đồng thuận về điều gì là quan trọng. Với sự gắn kết đồng lòng này, ta còn có thể đạt được gì? Ta muốn đạt được gì? Và ta sẽ tạo nên một thế giới như thế nào? Bất cứ ai sau khi tự ý thức được sức mạnh của bản thân đều tự hỏi điều này.
Covid-19 giống như là một đợt cải tạo để chúng ta cai nghiện khỏi những “lẽ thường”. Muốn loại bỏ một thói quen, ta phải làm nó hữu hình; để thói quen từ một thứ bắt buộc trở thành một sự lựa chọn. Khi khủng hoảng lắng xuống, là cơ hội để chúng ta đặt câu hỏi: chúng ta có muốn quay lại với “lẽ thường”, hay có điều gì trong quãng nghỉ khỏi những thói thường này mà ta muốn tiếp tục trong tương lai. Chúng ta có thể sẽ tự hỏi: sau khi chứng kiến nhiều người mất việc, thế giới có thực sự cần những công việc này không? Hay là sức lao động và sáng tạo của ta nên được dùng cho việc khác? Ta có thể hỏi, sau một thời gian tạm dừng, liệu ta có thực sự cần di chuyển bằng máy bay nhiều đến vậy? Ta có cần đi chơi ở Thế giới Disney hay đi xem triển lãm thương mại? Chúng ta muốn phục hồi phần nào của nền kinh tế? Và phần nào ta muốn buông bỏ? Hay từ một góc nhìn có phần tăm tối hơn, trong những điều chúng ta đang (tạm thời) bị tước đi – tự do dân quyền, tự do hội họp, chủ quyền với chính cơ thể mình, gặp gỡ trực tiếp, ôm ấp, bắt tay và đời sống công cộng – đâu là thứ ta cần viện đến động cơ chính trị và ý chí cá nhân để khôi phục lại?
Suốt phần lớn cuộc đời tôi, tôi có cảm giác là nhân loại đang tiệm cận một ngã rẽ. Sự khủng hoảng, sụp đổ, và tan vỡ lúc nào cũng trong trạng thái sắp xảy ra tới nơi, chỉ ngay góc đường thôi, nhưng nó không tới, rồi lại không tới. Hãy tưởng tượng bạn đang đi bộ trên đường và nhìn thấy ngã tư phía trước rồi. Nó ở ngay trên đồi, chỗ khúc quanh, đi qua cánh rừng. Trèo tới đỉnh đồi, bạn nhận ra mình đã lầm, đó chỉ là một ảo ảnh, thực tế xa hơn bạn nghĩ. Bạn bước tiếp. Thỉnh thoảng đích đến lọt vào tầm mắt, đôi lúc khuất tầm nhìn và con đường này thì kéo dài như vô tận. Có lẽ vốn chẳng có ngã tư nào? À không, lại nó kìa! Luôn luôn gần tới, nhưng không bao giờ tới.
Giờ đây đột nhiên chúng ta đi tới khúc quanh và.. đây rồi!. Ta dừng lại, không tin nổi chuyện đang xảy ra, không tin được rằng sau từng ấy năm bị giam cầm trên con đường của những người đi trước, giờ đây chúng ta đã có lựa chọn khác. Chúng ta đã đúng khi dừng lại, và sững sờ trước sự mới lạ của tình huống này. Bởi trong số hàng trăm lối đi đang mở ra trước mắt, một số sẽ dẫn tới cùng đích đến mà ta đang đi. Số khác có thể dẫn tới địa ngục trần gian. Và lại có những con đường dẫn tới một thế giới an lành và đẹp đẽ hơn tất cả những gì ta dám mơ tới.
Tôi viết những dòng này mong muốn đứng đây cùng các bạn, ở ngã rẽ của những con đường này – có phần hoang mang sợ hãi, nhưng cũng ý thức rõ về những triển vọng mới. Hãy cùng nhìn vào một vài con đường trong số đó và xem chúng dẫn ta tới đâu.
***
Tuần trước, một cô bạn kể tôi nghe câu chuyện như thế này. Cô ấy đang đi mua đồ ở cửa hàng tạp hóa thì bỗng nhìn thấy một phụ nữ đứng giữa các kệ hàng, khóc nức nở. Bỏ qua các rào cản xã giao thông thường, bạn tôi đã lại gần và ôm lấy người phụ nữ đó. “Cảm ơn, đã 10 ngày rồi tôi mới được ôm một ai đó” – Đó là lời cảm ơn mà người phụ nữ đó đã nói với bạn tôi.
Không được ôm ai đó trong một vài tuần có vẻ là một cái giá quá nhỏ, nếu so sánh với hệ quả kinh khủng mà dịch bệnh có thể gây ra, khi hàng triệu người có thể sẽ phải chết. Nhiều người ủng hộ giãn cách xã hội với lập luận thuyết phục rằng, điều này có thể ngăn chặn sự gia tăng đột ngột của các ca nhiễm Covid-19, từ đó tránh cho hệ thống y tế khỏi tình trạng quá tải. Tuy nhiên, tôi muốn đặt vấn đề này trong một bối cảnh rộng lớn hơn, đặc biệt khi chúng ta nhìn dài hạn hơn. Sự xa cách có thể sẽ ăn sâu vào thể chế và e rằng cả xã hội sẽ được tái cấu trúc dựa trên nền tảng đó. Hãy dành thời gian suy ngẫm về những lựa chọn mà chúng ta đang đưa ra, và lý do mà chúng ta lựa chọn như vậy.
Tương tự với những thay đổi kể từ khi dịch bệnh do virus corona bùng phát. Một số nhà bình luận cho rằng những thay đổi này đã khéo léo hỗ trợ một kế hoạch kiểm soát chuyên chế. Một đám đông sợ hãi sẽ dễ dàng gật đầu với những hạn chế về quyền tự do dân sự mà trong những tình huống khác, họ có thể cảm thấy khó chấp nhận. Ví dụ như theo dõi việc di chuyển của tất cả mọi người, điều trị y tế bắt buộc và cách ly không tự nguyện, hạn chế đi lại và tự do hội họp, kiểm duyệt những thông tin mà chính quyền cho là sai lệch, đình chỉ quyền bảo thân**, hay đặt xã hội dưới sự kiểm soát quân sự. Một vài biện pháp đã được tiến hành từ trước, và đến khi dịch Covid-19 bùng phát, việc triển khai những biện pháp này là không thể tránh khỏi. Một ví dụ khác là việc tự động hóa được ứng dụng nhiều hơn trong thương mại. Tham gia trực tiếp vào các hoạt động thể thao giải trí chuyển thành theo dõi từ xa. Cuộc sống được chuyển đổi từ các không gian công cộng sang không gian khép kín. Các trường học chuyển thành giáo dục trực tuyến. Các cửa tiệm xây bằng gạch đá dần biến mất. Con người làm việc và giải trí đều thông qua màn hình máy tính. Các xu hướng chính trị kinh tế, xã hội đã manh nha từ trước, giờ đây, đang được Covid-19 tiếp đà tăng tốc.
Trong ngắn hạn, tất cả những thay đổi kể trên được biện minh với lý do làm phẳng đường cong tăng trưởng dịch tễ học. Nhưng nếu bạn đã từng nghe về thuật ngữ “trạng thái bình thường mới”, bạn sẽ nhận ra rằng, có thể, những thay đổi này không hề mang ý nghĩa tạm thời. Tương tự như mối đe dọa khủng bố, vì mối đe dọa liên quan đến bệnh tật truyền nhiễm không bao giờ biến mất, các biện pháp kiểm soát có thể được áp đặt vĩnh viễn. Nếu chúng ta quyết định sẽ đi theo hướng này bằng bất cứ giá nào, những lý do biện minh được đưa ra ở thời điểm hiện tại hẳn phải ẩn chứa những thôi thúc sâu xa hơn nữa. Tôi sẽ phân tích nguồn động lực này trong hai phần: phản xạ kiểm soát (the reflex of control) và cuộc chiến với cái chết (the war on death). Đây cũng có thể được hiểu như một cơ hội mới cho tất cả chúng ta. Cơ hội để ta chứng kiến tinh thần đoàn kết, lòng trắc ẩn và tình yêu thương giữa người với người được khơi dậy từ Covid-19.
Phản xạ của Sự kiểm soát
Tại thời điểm tôi đang viết bài này, những thống kê chính thức cho thấy hiện có khoảng 25,000 ca tử vong vì Covid-19 (con số này là hơn 100,000 tại thời điểm bài viết được dịch sang tiếng Việt). Nếu không kiểm soát được bệnh dịch, số người chết có thể lớn gấp mười hay một trăm lần hiện nay, hoặc thậm chí hàng ngàn lần nếu những phỏng đoán đáng báo động nhất là chính xác. Người nào trong số này cũng có thân hữu, gia đình và bạn bè. Lòng trắc ẩn và lương tâm kêu gọi chúng ta làm những gì có thể để tránh khỏi thảm kịch không cần thiết. Chuyện này cũng có chút riêng tư với tôi: người mẹ hết mực thân thương, mong manh của tôi thuộc nhóm rủi ro đối với căn bệnh đang cướp đi mạng sống của phần đông những người già cả và ốm yếu này.
Con số cuối cùng sẽ là bao nhiêu? Câu hỏi này là không thể trả lời tại thời điểm viết bài. Những báo cáo ban đầu rất đáng báo động; liên tục được cập nhật trong nhiều tuần trên các phương tiện truyền thông, con số chính thức 3.4% từ Vũ Hán là một con số gây sốc. Tỉ lệ này, cùng với bản chất dễ lây lan của bệnh dịch, chỉ ra rằng sẽ có hàng chục triệu người chết trên thế giới, hoặc thậm chí có thể lên đến cả trăm triệu. Gần đây, các ước tính này đã giảm mạnh bởi thực tế cho thấy rõ ràng hầu hết các ca đều nhẹ hoặc không có triệu chứng. Kể từ khi xét nghiệm chỉ tập trung vào những trường hợp nặng, tỉ lệ tử vong có vẻ cao một cách đáng ngờ . Tại Hàn Quốc, nơi hàng trăm ngàn người có những triệu chứng nhẹ được làm xét nghiệm, tỉ lệ tử vong trong các ca được báo cáo nằm ở ngưỡng 1%. Tại Đức, xét nghiệm cũng được mở rộng đến nhiều người mang triệu chứng nhẹ, tỉ lệ tử vong là 0.4%. Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Science chỉ ra rằng có đến 86% số ca lây nhiễm không được ghi chép, chứng tỏ tỉ lệ tử vong trên thực tế là thấp hơn nhiều so với những con số hiện tại.
Câu chuyện về du thuyền Diamond Princess củng cố quan điểm này, trong tổng số 3711 người trên tàu, có khoảng 20% dương tính với virus; dưới một nửa có triệu chứng, và 8 ca tử vong. Du thuyền là môi trường hoàn hảo cho sự lây nhiễm, có nhiều thời gian để virus lây lan trước khi có biện pháp can thiệp, vậy mà chỉ có một phần năm nhiễm bệnh. Hơn thế nữa, như hầu hết các du thuyền khác, thành phần khách trên tàu có thiên hướng cao tuổi: gần một phần ba hành khách ở đây trên 70 tuổi, và hơn một nửa trên 60. Một nhóm nghiên cứu số lượng lớn những ca không có triệu chứng đã đưa ra kết luận rằng tỉ lệ tử vong thực tế ở Trung Quốc là vào khoảng 0.5%. Con số này vẫn lớn hơn tỷ lệ tử vong do cúm 5 lần. Dựa trên những thông tin kể trên (và tình hình nhân khẩu học trẻ hơn nhiều ở Châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á), phỏng đoán của tôi là sẽ có thêm 200,000 – 300,000 người chết tại Mỹ – sẽ nhiều hơn nếu hệ thống y tế bị quá tải, hoặc ít hơn nếu những ca lây nhiễm giãn dần theo thời gian – và trên toàn cầu là khoảng 3 triệu người. Đây là những con số đáng sợ. Kể từ đại dịch cúm Hong Kong những năm 1968-1969, thế giới chưa từng trải qua bất cứ điều gì giống như vậy.
Những phỏng đoán của tôi có thể dễ dàng bị sai lệch bởi mức độ khuếch đại của các ca lây nhiễm. Báo chí vẫn đăng tin về tổng số lượng các ca nhiễm Covid-19 hàng ngày, nhưng không ai biết con số thực là như thế nào, bởi chỉ có một tỉ lệ nhỏ dân số được xét nghiệm. Kể cả có hàng chục triệu người nhiễm virus mà không có triệu chứng, chúng ta cũng không thể biết. Một vấn đề làm phức tạp thêm tình hình là tỉ lệ “dương tính giả” cao cho những xét nghiệm hiện tại, có thể lên tới 80%. (Các bạn có thể xem tại đây để biết thêm những điều thậm chí đáng báo động hơn về độ chính xác của phương pháp xét nghiệm). Tôi xin được nhắc lại: không ai biết điều gì đang thực sự xảy ra, kể cả tôi. Chúng ta cần ý thức về hai xu hướng đối nghịch trong các vấn đề của con người. Đầu tiên là xu hướng hoảng loạn mất kiểm soát, tự loại trừ những dữ liệu không kích thích nỗi sợ, và tạo ra một ảo tưởng về thế giới xung quanh. Cái thứ hai là sự chối bỏ, sự khước từ một cách thiếu lý trí những thông tin có thể quấy nhiễu sự bình thường và thoải mái. Như câu hỏi của Daniel Schmactenberger, làm thế nào bạn biết điều bạn đang tin tưởng là đúng?
Đối diện với sự vô định này, tôi muốn đưa ra một phỏng đoán: Cuộc khủng hoảng sẽ cứ tiếp diễn theo cách chúng ta không bao giờ có thể hiểu. Nếu số ca tử vong cuối cùng, vấn đề này tự nó sẽ là chủ đề gây tranh cãi, thấp hơn e ngại, có người sẽ nói đó là bởi các biện pháp kiểm soát có hiệu quả. Số khác lại cho rằng đó là bởi bệnh dịch không nghiêm trọng như chúng ta vẫn biết.
Đối với tôi, câu đố khó hiểu nhất là vì sao tại thời điểm tôi viết bài này, hầu như không còn ca nhiễm mới ở Trung Quốc***. Chính quyền ở đây đã không thực hiện biện pháp phong tỏa cho đến sau khi virus được xác minh. Bệnh dịch có lẽ đã phải lan rộng khắp trong thời gian Tết Nguyên Đán, khi mọi máy bay, xe lửa, và xe buýt chật cứng những người đang di chuyển đến khắp nơi trên đất nước này. Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy? Một lần nữa, tôi không rõ, và bạn cũng vậy.
Cho dù số ca tử vong toàn cầu sau cùng là 50,000 hay 500,000 hay 5 triệu, hãy cùng nhìn vào một vài con số để có một vài quan điểm khác. Tôi KHÔNG có ý cho rằng Covid không đến nỗi tệ và chúng ta không nên làm gì cả. Hãy nghe tôi nói hết. Năm ngoái, theo tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), năm triệu trẻ em chết vì đói (trong số 162 triệu bị còi cọc và 51 triệu bị suy dinh dưỡng). Đó là số người chết lớn hơn 200 lần so với Covid-19, nhưng chưa có một chính phủ nào ban bố tình trạng khẩn cấp hoặc yêu cầu chúng ta thay đổi triệt để cách sống của mình để cứu họ. Chúng ta cũng không thấy một mức độ báo động và hành động tương đương như vậy xung quanh các ca tự vẫn – phần nổi của tảng băng tuyệt vọng và trầm cảm giết chết hơn một triệu người trên thế giới mỗi năm và 50,000 người tại Mỹ. Hay việc sử dụng ma túy quá liều dẫn đến cái chết của 70,000 người Mỹ, hay bệnh tự miễn dịch tác động đến 23.5 triệu (theo NIH) đến 50 triệu người (theo AARDA), hay bệnh béo phì làm khổ hơn 100 triệu người. Tại sao, chúng ta không điên cuồng ngăn chặn thảm họa hạt nhân hay sự sụp đổ sinh thái, mà ngược lại, tiếp tục theo đuổi những lựa chọn làm tăng những mối họa đó?
Xin các bạn hiểu rằng, vấn đề ở đây không nằm ở chỗ chúng ta chưa thay đổi trong cách tránh cho trẻ em khỏi chết đói, nên chúng ta cũng không cần thay đổi vì Covid. Ngược lại: nếu chúng ta có thể thay đổi triệt để vì Covid-19, chúng ta cũng có thể làm như vậy vì các vấn đề kia. Hãy thử cùng hỏi vì sao chúng ta có thể thống nhất ý chí tập thể để ngăn chặn virus này, mà lại không thể giải quyết các mối đe dọa nghiêm trọng khác của nhân loại. Tại sao, cho đến giờ, xã hội bị đóng băng trong quỹ đạo hiện tại?
Câu trả lời đang được hé lộ. Đơn giản rằng, trong cuộc chiến chống lại nạn đói, nghiện ngập, bệnh tự miễn dịch, tự vẫn, hay sụp đổ sinh thái, chúng ta, trên bình diện xã hội, không biết phải làm gì. Các phản ứng trước khủng hoảng của chúng ta đều là những phiên bản của sự kiểm soát, vốn không mấy hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề này. Hiện giờ với bệnh dịch, chúng ta cuối cùng cũng có thể bắt đầu hành động. Đây là một cơn khủng hoảng mà việc kiểm soát sẽ có hiệu quả: cách ly, phong tỏa, cô lập, rửa tay, kiểm soát di chuyển, kiểm soát thông tin, kiểm soát cơ thể. Điều này khiến Covid trở thành một dạng vật chứa thuận tiện cho những nỗi sợ lộn xộn của ta, một nơi để truyền cảm giác bất lực ngày càng tăng khi đối mặt với những thay đổi đang tràn khắp thế giới. Covid là một mối đe dọa mà chúng ta biết cách xử lý. Không giống như những nỗi sợ khác, Covid-19 cho chúng ta một kế hoạch.
Những thể chế của nền văn minh chúng ta đang ngày càng trở nên bất lực trước những thách thức thời đại. Điều này thể hiện ở cách những thể chế này đón nhận một thách thức cuối cùng cũng đã tới; cách chúng nôn nóng coi nó như một dạng khủng hoảng tối nguy cấp; cách những hệ thống quản lý thông tin tự động lựa chọn những mẩu tin giật gân nhất; cách mà công chúng dễ dàng tham gia vào cơn hoảng loạn, chấp nhận mối đe dọa hữu hình mà chính quyền của họ có thể chế ngự, thay vì tập trung vào những mối đe dọa vô hình mà thể chế hiện thời không thể giải quyết.
Ngày nay, chúng ta hầu như không còn có thể chế ngự những thách thức thời đại nữa. Thuốc kháng sinh và phẫu thuật không còn đáp ứng được biến động của những khủng hoảng sức khỏe liên quan đến bệnh tự miễn dịch, nghiện ngập và béo phì. Súng và bom, được chế tạo cho mục đích chinh phục quân đội, tỏ ra vô dụng trong việc xóa bỏ hận thù ngoài biên giới, hay ngăn chặn bạo lực trong chính gia đình chúng ta. Cảnh sát và nhà tù không thể xử lý tận gốc những điều kiện sinh ra tội phạm. Thuốc trừ sâu không phục hồi được đất đai đã bị hủy hoại. Covid-19 gợi nhớ lại những ngày tươi đẹp trong quá khứ, khi mà những thách thức của bệnh nhiễm trùng phải đầu hàng trước y học hiện đại và sự vệ sinh, cùng thời điểm Đức quốc xã thất bại trong cuộc chiến cơ giới, và việc tự nhiên chịu thua, hay có vẻ như vậy, trước công cuộc chinh phục và phát triển công nghệ. Bệnh dịch này gợi nhắc lại những ngày mà vũ khí của chúng ta còn hoạt động hiệu quả và thế giới dường như thực sự được cải thiện với mỗi phát minh công nghệ của sự kiểm soát.
Vậy dạng vấn đề nào đầu hàng trước sự thống trị và kiểm soát? Đó là những dạng vấn đề đến từ bên ngoài, cái gì đó Khác chúng ta. Khi gốc rễ của vấn đề là thứ gì đó có quan hệ mật thiết với chính chúng ta, như tình trạng vô gia cư hay bất bình đẳng, nghiện ngập hay béo phì, không có gì để chúng ta chiến đấu lại cả. Chúng ta có thể cố gắng dựng nên một kẻ thù để trút mọi tội lỗi, ví dụ như những nhà tỷ phú, Vladimir Putin, hay Ác quỷ, nhưng sau đó chúng ta liền bỏ qua thông tin cốt lõi, như điều gì đã cho phép các tỷ phú (hoặc virus) được sản sinh ngay từ đầu .
Nếu có điều gì mà nền văn minh của chúng ta giỏi làm, thì đó là chiến đấu chống lại kẻ thù. Các cơ hội để thực hiện điều mà chúng ta làm tốt luôn được chào đón, bởi điều đó chứng minh giá trị của những công nghệ, những hệ thống và thế giới quan của chúng ta. Và bởi vậy, chúng ta chế tạo ra những kẻ thù, đưa những vấn đề như tội phạm, khủng bố, và bệnh tật vào dạng thức “chúng ta – chúng nó”, và hướng năng lượng tập thể vào những nỗ lực có thể được nhận diện theo cách trên. Do đó, chúng ta cô lập Covid-19 như một lời kêu gọi vũ trang, tái thiết xã hội như một dạng nỗ lực thời chiến, trong khi xử lý chiến tranh hạt nhân, sụp đổ sinh thái, và năm triệu trẻ em chết đói như những vấn đề bình thường.
Thuyết âm mưu
Bởi vì có vẻ như Covid-19 đang biện minh cho rất nhiều thứ mà một nền chuyên chế theo đuổi, một số người tin rằng sự việc này là một nước cờ chính trị có tính toán trước. Mục đích của tôi ở đây không phải là củng cố hay chối bỏ giả thuyết đó, nhưng tôi cũng sẽ đưa ra một vài nhận định chung. Trước tiên hãy có một cái nhìn tổng quan đã.
Những giả thuyết (có rất nhiều dị bản) đề cập đến chương trình Event 201 (được tài trợ bởi Quỹ Gates, CIA, v.v,… diễn ra vào tháng Chín năm ngoái), và Sách Trắng năm 2010 của Quỹ Rockefeller cũng nói đến một kịch bản có tên là “Lockstep”, cả 2 đều mô tả những phản ứng có tính độc đoán trước một đại dịch được giả định. Họ thấy rằng cơ sở hạ tầng, công nghệ, và khung pháp lý cho việc thiết quân luật đã được chuẩn bị trong nhiều năm. Điều cần nhất bây giờ, như họ nói, là một cách để khiến cho công chúng chấp thuận những thứ đó, và nay thời cơ đã đến. Dù cho những sự kiểm soát hiện tại có phải là vĩnh viễn hay không, thì một tiền lệ cũng đã được thiết lập cho:
- Việc theo dõi sự di chuyển của mọi người toàn thời gian (bởi vì virus corona)
- Nghiêm cấm tự do tụ tập đám đông (bởi vì virus corona)
- Kiểm soát quân sự đối với người dân (bởi vì virus corona)
- Sự giam giữ mà không cần phân xử , và không hạn định (chuyện cách ly, bởi vì virus corona)
- Việc cấm sử dụng tiền mặt (bởi vì virus corona)
- Kiểm duyệt Internet (nhằm chống lại những thông tin sai lệch, bởi vì virus corona)
- Tiêm phòng vắc xin và chăm sóc y tế bắt buộc, thiết lập chủ quyền của nhà nước đối với cơ thể của chúng ta (bởi vì virus corona)
- Phân loại một cách rõ ràng những hoạt động và địa điểm nào được cho phép, hoặc bị cấm (bạn có thể ra khỏi nhà cho cái này, nhưng cái khác thì không), thủ tiêu “vùng xám” không chịu sự quản lý của cảnh sát và pháp luật. Đấy hoàn toàn là bản chất của một nền chuyên chế. Rất cần thiết trong thời điểm hiện tại, bởi vì, bạn biết đấy, virus corona.
Đây quả là chất liệu cực kỳ màu mỡ cho những thuyết âm mưu. Với những gì tôi biết, một trong số những giả thuyết đó có thể đúng, tuy nhiên, sự phát triển tương tự của các sự việc có thể xuất hiện một cách vô thức, từ sự dao động có tính hệ thống dẫn tới việc kiểm soát đang ngày càng tăng lên. Thế sự dao động này từ đâu ra? Nó đã nằm trong ADN của nền văn minh rồi. Trong nhiều thiên niên kỷ, nền văn minh (đối lập với những văn hóa truyền thống ở quy mô nhỏ) đã hiểu rằng “sự tiến bộ” là một công cụ để mở rộng việc kiểm soát đối với thế giới: thuần hóa những thứ hoang dã, chinh phục những kẻ man di, làm chủ những yếu tố của tự nhiên, và sắp xếp trật tự trong xã hội dựa trên luật pháp và lý lẽ. Sự bành trướng của việc kiểm soát được đẩy nhanh với cuộc Cách mạng Khoa học, đẩy sự tiến bộ lên một tầm cao mới: việc sắp xếp thực tại thành những con số và thứ hạng khách quan, và khống chế vật chất bằng công nghệ. Cuối cùng, các ngành khoa học xã hội cũng đã cam kết sử dụng những công cụ và phương pháp tương tự để thỏa mãn cái tham vọng (trở về với những tư tưởng của Plato và Khổng Tử) để thiết lập một xã hội hoàn hảo.
Những người nắm quyền cai trị trong nền văn minh sẽ luôn chào đón bất cứ cơ hội nào để gia tăng quyền kiểm soát của mình, bởi vì sau tất cả, nó đang phục vụ cho một tầm nhìn lớn lao hơn của số phận loài người: một thế giới trong một trật tự hoàn hảo; nơi mà bệnh tật, tội ác, sự nghèo đói, và có thể là cả sự đau khổ nữa, sẽ được làm cho biến mất hoàn toàn. Không còn bất cứ động cơ bất chính nào nữa. Đương nhiên họ sẽ muốn theo dõi mọi người – được vậy thì càng tốt hơn để đảm bảo những lợi ích chung. Đối với họ, Covid-19 cho thấy sự cần thiết của chuyện đó. Họ hỏi rằng “Liệu chúng ta có thể duy trì tự do dân chủ khi nhìn vào bối cảnh virus corona?”, “Chẳng phải ta cần hy sinh nó để đổi lấy sự an toàn của chính bản thân hay sao?” – điệp khúc quen thuộc đó đã được ca đi ca lại, với những thảm họa khác trong quá khứ, như là vụ 11/9 chẳng hạn.
Để đưa ra một hình ảnh ẩn dụ dễ hiểu, hãy tưởng tượng một người đàn ông với một cây búa, lén lút loanh quanh tìm một cái cớ để sử dụng nó. Đột nhiên anh ta thấy một chiếc đinh tòi ra. Anh ta đã tìm kiếm chiếc đinh trong một thời gian dài, tại vì cứ đập xuống mấy cái bu lông đinh vít mãi thì chả chứng tỏ được cái gì cả. Anh ta sống trong một thế giới quan mà những cây búa là công cụ hữu hiệu nhất, và thế giới này có thể tốt đẹp hơn nhờ việc đóng mấy cái đinh. Và ở đây có một cái đinh nè! Chúng ta có thể nghi ngờ rằng vì quá háo hức nên anh ta đã tự đặt một cái đinh ở đó, nhưng mà chuyện đó không quan trọng lắm đâu. Có thể là nó còn chẳng phải là một cái đinh bị tòi ra chi cả, nhưng chỉ cần đủ giống để phải đập búa xuống. Khi mà công cụ đã sẵn sàng, một cơ hội để sử dụng nó sẽ tự động xuất hiện.
Và tôi sẽ phải nói thêm rằng, cho những ai có xu hướng nghi ngờ chính quyền, thì có thể lần này đúng là một cái đinh thật. Trong trường hợp đó, cái búa là một công cụ đúng đắn – và nguyên tắc cái búa sẽ được làm nổi bật lên, đồng thời sẵn sàng cho những đinh vít, nút bấm, kìm kẹp và xé rách khác nữa.
Dù là như thế nào đi chăng nữa, cái vấn đề mà chúng ta đang phải xử lý ở đây thì còn sâu xa hơn cái chuyện lật đổ một phe phái xấu xa nào đó của hội Illuminati. Kể cả khi họ có tồn tại thật đi chăng nữa, với sự dao động của nền văn minh, xu hướng tương tự sẽ vẫn cứ tiếp diễn mà không cần có họ, hoặc một hội Illuminati mới sẽ nổi lên để gánh vác những trọng trách của hội cũ.
Dù đúng hay sai, thì cái suy nghĩ rằng thảm họa này chỉ là một vài cái âm mưu khủng khiếp nào đó được thực hiện bởi những kẻ ác, và mục tiêu nhắm đến là công chúng, thì cũng không khác lắm so với lối suy nghĩ “đi tìm mầm bệnh” (find-the-pathogen). Đấy là một tâm lý mang tính cảm tử và hiếu chiến. Nó định vị nguồn gốc của căn bệnh mang tính chính trị xã hội nằm ở một mầm bệnh bên ngoài mà ta có thể đánh lại, một kẻ gây tội nằm ngoài bản thân chúng ta. Nó gây ra một cái rủi ro là ta sẽ bỏ qua những điều kiện đã biến xã hội trở thành một mảnh đất màu mỡ cho những kịch bản như vậy. Để xem xét chuyện đó là vô tình hay cố ý thì, đối với tôi, là câu hỏi phụ.
Điều tôi nói tiếp theo đây tương ứng với những thắc mắc, rằng liệu SARS-CoV2 có phải là một vũ khí sinh học được biến đổi gen, liệu nó có liên quan đến việc triển khai 5G hay không, hay được sử dụng để ngăn chặn “việc lộ thông tin”, hay là một dạng mồi nhử mở đường đến với một chính phủ thế giới toàn trị, hay virus này có nguy hiểm như những gì chúng ta được nghe kể không, hoặc nó được tạo ra tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, ở Fort Detrick, hay là chính xác như những gì CDC và WHO đang nói với chúng ta. Điều tôi nói cũng áp dụng kể cả khi mọi người đều hoàn toàn hiểu sai về vai trò của virus SARS-CoV2 trong thảm họa này. Tôi có những quan điểm riêng của mình, nhưng nếu có một điều gì đó mà tôi học được qua những thời điểm khẩn cấp như này thì đó là tôi thật sự không biết điều gì đang diễn ra. Tôi cũng không chắc là có ai biết không nữa, giữa lúc rần rần khắp nơi những tin thật, tin giả, lời đồn, thông tin bị kiểm duyệt, thuyết âm mưu, lời tuyên truyền, và những tuyên bố sặc mùi chính trị đầy rẫy trên mạng, Tôi ước rằng sẽ có nhiều người trân trọng sự “chưa biết”. Tôi nói điều đó tới những người tin vào những quan điểm chính thống, cả những người bất đồng với họ nữa. Những thông tin nào có thể đang bị chặn, để củng cố cho tính nhất quán của những góc nhìn của chúng ta? Hãy trở nên khiêm nhường đối với những niềm tin của chúng ta: đó là vấn đề của sự sống và cái chết.
Cuộc chiến với cái chết
Cậu con trai 7 tuổi của tôi đã không gặp gỡ hay chơi đùa với những đứa trẻ khác trong hai tuần. Hàng triệu những đứa trẻ khác cũng như vậy. Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng một tháng không có tương tác xã hội đối với những đứa trẻ là một sự hy sinh hợp lý để cứu một triệu người khác. Nhưng còn việc cứu 100,000 mạng sống thì sao? Và sẽ thế nào nếu sự hy sinh đó không phải là trong một tháng mà là một năm? Năm năm? Mỗi người sẽ có một ý kiến khác nhau về điều đó, tùy thuộc vào những giá trị mà họ theo đuổi.
Hãy thử thay thế những câu hỏi trên bằng một thứ khác mang tính cá nhân hơn, đánh thẳng vào suy nghĩ thực dụng vô nhân đạo biến con người thành những số liệu thống kê và hy sinh một vài cá nhân vì một lý do nào đó. Với tôi, câu hỏi thích hợp ở đây là, liệu tôi sẽ yêu cầu tất cả trẻ em trên cả nước từ bỏ việc chơi đùa trong một mùa, nếu điều đó làm giảm nguy cơ tử vong của mẹ tôi, hay thậm chí là nguy cơ của chính bản thân tôi? Hoặc tôi có thể hỏi, liệu tôi có chọn chấm dứt việc ôm hôn và bắt tay của con người nếu điều đó cứu được mạng sống của chính tôi? Tôi không có ý coi nhẹ mạng sống của mẹ tôi hay của bản thân thôi, cả hai đều rất quý giá. Tôi biết ơn vì mỗi ngày mà bà vẫn ở bên chúng tôi. Nhưng những câu hỏi này đề cập đến những vấn đề sâu sắc hơn. Thế nào là sống một cách đúng đắn? Và chết thế nào cho phải?
Đáp án cho câu hỏi đó, cho dù được hỏi nhân danh cá nhân hay đại diện cho xã hội, tùy thuộc vào cách chúng ta nghĩ về cái chết và mức độ chúng ta coi trọng việc vui chơi, tiếp xúc và sự gắn bó, cũng như tự do dân sự và tự do cá nhân. Không có một công thức nào có thể cân bằng những giá trị này một cách dễ dàng.
Trong suốt cuộc đời mình tôi đã thấy xã hội ngày càng chú trọng đến sự an toàn, an ninh và giảm thiểu rủi ro. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến lũ trẻ: khi còn là một cậu bé, việc chúng tôi đi chơi lang thang cách nhà cả dặm mà không có người giám sát là chuyện bình thường – nhưng ngày nay các bậc cha mẹ sẽ được Hiệp hội Bảo vệ Trẻ em hỏi thăm nếu để chuyện đó xảy ra. Bên cạnh đó ngày càng có nhiều ngành nghề sử dụng găng tay cao su; nước sát khuẩn tay xuất hiện khắp mọi nơi; các trường học luôn được khóa, bảo vệ và giám sát; an ninh sân bay và biên giới được tăng cường; nhận thức về trách nhiệm pháp lý và bảo hiểm trách nhiệm nhân sự được nâng cao; máy dò tìm kim loại trước khi tiến vào các đấu trường thể thao hay các tòa nhà công cộng được lắp đặt, v.v. Rõ ràng, đây đều là những hình thức của tình trạng kiểm soát an ninh.
Tâm niệm “An toàn là trên hết” bắt nguồn từ một hệ thống mà sự sống sót là ưu tiên hàng đầu, đồng thời làm giảm giá trị của những thứ khác như niềm vui, sự mạo hiểm, việc chơi đùa, và việc thử thách các giới hạn của con người. Mỗi nền văn hóa có những sự ưu tiên khác nhau. Các nền văn hóa bản địa truyền thống thường ít chú trọng việc che chở tụi trẻ con, như đã được ghi lại trong tác phẩm kinh điển The Continuum Concept (Khái niệm liên tục) của tác giả Jean Liedloff. Họ cho phép bọn trẻ được mạo hiểm và chịu trách nhiệm – một điều khá điên rồ với hầu hết những con người hiện đại. Họ tin rằng điều này là cần thiết để cho sự phát triển tính tự lập và khả năng phán đoán của bọn trẻ. Tôi nghĩ hầu hết những con người hiện đại, đặc biệt là những người trẻ, vẫn còn giữ được đặc tính này và sẵn sàng hi sinh sự an toàn để có thể sống hết mình. Tuy nhiên, nền văn hóa bao quanh lại không ngừng khiến chúng ta sống trong sự sợ hãi và đã tạo nên một hệ thống hiện thân cho nỗi sợ. Sự an toàn là điều tối quan trọng. Vậy nên chúng ta có một hệ thống y tế trong đó hầu hết mọi quyết định đều dựa vào các tính toán rủi ro, và điều tồi tệ nhất xảy ra là cái chết – đánh dấu sự thất bại lớn nhất của người thầy thuốc. Nhưng chúng ta đều hiểu rõ, ai rồi cũng phải chết. Một mạng sống được cứu chỉ đồng nghĩa với một cái chết được trì hoãn lại mà thôi.
Thành quả tối thượng của bộ máy kiểm soát của nền văn minh chúng ta đang sống chính là việc chiến thắng cái chết. Khi không đạt được nó, xã hội hiện đại đã lựa chọn một phiên bản khác của chiến thắng đó: phủ nhận, thay vì chinh phục. Xã hội của chúng ta đang từ chối cái chết, thể hiện từ việc giấu đi những cái xác đến sự tôn sùng sự trẻ trung, và cả hành động tập trung người già vào viện dưỡng lão nữa. Thậm chí ngay cả nỗi ám ảnh về tiền bạc và tài sản – những thứ ngoại thân nối dài cái tôi, như nghĩa của từ “của tôi” – thể hiện ảo tưởng rằng cái tôi hữu hạn có thể trở nên vĩnh cửu nhờ vào những vật đính kèm đó. Tất cả là kết quả tất yếu của câu chuyện bản ngã mà sự hiện đại mang lại: sự tách biệt rõ ràng giữa một cá thể trong thế giới của những “thứ khác”. Bị bao quanh bởi những đối thủ về di truyền, kinh tế và xã hội, một cá thể buộc phải tự bảo vệ và thống trị để phát triển. Nó phải làm mọi thứ có thể để ngăn chặn cái chết, điều mà (trong câu chuyện của sự tách biệt) được coi là sự hủy diệt hoàn toàn. Khoa học sinh học thậm chí đã dạy chúng ta rằng bản năng vốn có của con người là tối đa hóa cơ hội sống sót và sinh sản.
Tôi đã hỏi một người bạn, một bác sĩ đã có thời gian sống với người Q’ero ở Peru, rằng liệu người Q’ero sẽ (nếu họ có thể) đặt nội khí quản để kéo dài mạng sống của một người hay không. “Tất nhiên là không” – cô ấy trả lời. “Họ sẽ mời pháp sư đến để giúp người đó ra đi thanh thản”. Ra đi thanh thản (không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc chết một cách không đau đớn) không có nhiều ý nghĩa trong từ điển y học hiện đại. Không bệnh viện nào lưu trữ thông tin về việc bệnh nhân có chết một cách thanh thản hay không. Điều đó không được coi là một kết quả tích cực. Trong thế giới của cái tôi riêng biệt, cái chết là thảm họa cuối cùng.
Nhưng liệu có đúng thế không? Hãy thử xem xét góc nhìn của tiến sĩ Lisasa Rankin đưa ra: “Không phải ai cũng muốn ở trong phòng cấp cứu, bị tách biệt khỏi những người thân yêu bởi máy trợ thở, đối mặt với việc chết trong cô đơn – ngay cả khi điều đó giúp cơ hội sống sót của họ tăng lên. Một số người mong muốn được ở nhà nằm trong vòng tay của người thân, cho dù nó đồng nghĩa với việc thời gian của họ sắp hết… Hãy nhớ rằng, chết không phải là hết. Chết là được về nhà”.
Khi cá nhân được hiểu theo nghĩa quan hệ, phụ thuộc lẫn nhau, hay thậm chí là sự tồn tại qua lại thì ta sống qua những người khác, và họ cũng sống qua chính cá nhân ta. Khi hiểu rằng bản thân ta chỉ là một điểm ý thức trong một ma trận các mối quan hệ phức tạp, không còn ai tìm kiếm một kẻ thù như một chìa khóa cho mọi vấn đề, mà thay vào đó là tìm xem ở đâu đang có sự mất cân bằng trong các mối quan hệ. Cuộc chiến với Tử thần do đó nhường chỗ lại cho việc sống tốt và sống hết mình, và chúng ta nhận ra rằng sự sợ hãi cái chết thực ra chính là sự hãi việc sống. Chúng ta sẵn sàng từ bỏ những gì để được sống an toàn?
Chế độ toàn trị – sự kiểm soát hoàn toàn – là sản phẩm cuối cùng tất yếu của những câu chuyện thần thoại về cái tôi tách biệt. Còn điều gì xứng đáng với sự kiểm soát hoàn toàn như một mối nguy mang tính sống còn, cũng như chiến tranh vậy? Chính vì vậy Orwell đã nhận định rằng chiến tranh liên miên là một phần cốt yếu trong sự cai trị.
Ngược lại với nền tảng của chương trình kiểm soát, sự phủ nhận cái chết, và cái tôi tách biệt, giả định rằng việc chính sách công cần tìm cách giảm thiểu số người chết gần như là điều hiển nhiên, một mục tiêu mà trong đó những giá trị khác như vui chơi, tự do, v.v… chỉ là thứ yếu. Covid-19 đã mang đến cơ hội để mở rộng quan điểm đó. Vâng, chúng ta hãy trân trọng cuộc sống, trân trọng hơn bao giờ hết. Cái chết đã dạy chúng ta như vậy. Hãy trân trọng từng con người, già hay trẻ, ốm yếu hay khỏe mạnh, vì họ xứng đáng được tôn trọng và yêu thương. Và trong vòng tròn những trái tim yêu thương, đừng quên dành một phần cho những giá trị thiêng liêng khác. Trân trọng cuộc sống không chỉ đơn giản là sống thật lâu, mà còn là sống tốt, sống đúng đắn và sống hết mình.
Giống như tất cả nỗi sợ khác, sự sợ hãi xung quanh virus corona gợi ra những điều sâu xa hơn. Những người từng trải qua việc mất đi người thân nhận ra rằng cái chết là một cánh cổng để yêu thương. Covid-19 đã làm nổi bật lên cái chết trong ý thức của một xã hội thường chối bỏ nó. Từ một khía cạnh khác của sự sợ hãi, chúng ta có thể thấy rằng cái chết đã giải phóng một thứ tình yêu. Hãy để tình yêu đó lan tỏa. Để tình yêu đó bão hòa nền tảng văn hóa của chúng ta và lấp đầy những tầng lớp, để rồi len lỏi vào những khe hở của những thể chế, những hệ thống và những thói quen cố chấp của chúng ta. Một số thứ trong đó cũng đã đến lúc cần ra đi.
Chúng ta sẽ sống trong một thế giới như thế nào?
Liệu chúng ta sẵn sàng hy sinh bao nhiêu phần của sự sống trước tế đàn của sự an toàn? Liệu ta có muốn sống trong một thế giới nơi mà con người không bao giờ tụ tập, hội họp nếu điều đó khiến ta an toàn hơn? Liệu ta có muốn luôn luôn phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng? Liệu ta có muốn được kiểm tra y tế mỗi khi đi du lịch, nếu việc đó giúp cứu thêm một số mạng sống nhất định mỗi năm? Liệu ta có sẵn sàng chấp nhận y tế hóa cuộc sống nói chung, bàn giao chủ quyền cuối cùng đối với cơ thể của chúng ta cho các cơ quan y tế (được lựa chọn bởi một số đảng chính trị nào đó)? Chúng ta liệu có muốn mỗi sự kiện được tổ chức đều là sự kiện ảo? Chúng ta sẵn sàng tới mức nào để sống trong sự sợ hãi?
Dịch Covid-19 cuối cùng sẽ lắng xuống, nhưng mối đe dọa của bệnh truyền nhiễm thì luôn luôn thường trực. Cách chúng ta đối phó với dịch bệnh sẽ định hướng tương lai của chúng ta. Đời sống xã hội, cuộc sống cộng đồng, cuộc sống của sự tương tác vật lý đã dần thu hẹp qua từng thế hệ. Giao hàng tận nhà thay thế việc đi mua sắm tại cửa hàng. Các cuộc hẹn chơi chung và phiêu lưu kỹ thuật số được tổ chức cho trẻ em thay vì để chúng chơi cùng nhau ngoài trời. Các diễn đàn trực tuyến thế chỗ các không gian công cộng. Liệu chúng ta có muốn tiếp tục cô lập bản thân khỏi mọi người và khỏi thế giới xung quanh?
Không khó để tưởng tượng rằng dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn sau 18 tháng, khoảng thời gian mà chúng ta được bảo rằng dịch sẽ kết thúc, nhất là khi giãn cách xã hội diễn ra suôn sẻ. Rằng các loại virus mới sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian đó. Rằng các biện pháp khẩn cấp sẽ trở thành một điều bình thường (nhằm mục đích chặn trước nguy cơ của một đợt bùng phát khác), cũng giống như tình trạng khẩn cấp được tuyên bố sau sự kiện 11/9 vẫn còn hiệu lực tới ngày hôm nay. Cũng không khó để tưởng tượng rằng (như thông tin mà chúng ra vẫn nhận được), việc tái nhiễm là có thể, vậy nên dịch bệnh sẽ không bao giờ tự kết thúc. Điều này có nghĩa là những thay đổi tạm thời trong cuộc sống của chúng ta có thể sẽ trở thành cố định.
Để giảm thiểu rủi ro của một đại dịch toàn cầu khác, liệu chúng ta có chọn sống trong một xã hội mãi mãi không có những chiếc ôm, những cái bắt tay, nơi mà ở đó không tồn tại những đám đông tụ tập? Liệu những buổi hòa nhạc, thi đấu thể thao và lễ hội có trở thành những thứ chỉ có trong quá khứ? Trẻ em sẽ không bao giờ được chơi cùng nhau nữa? Tất cả những tiếp xúc giữa người với người sẽ chỉ còn được thực hiện gián tiếp qua màn hình máy tính hay sau lớp khẩu trang? Sẽ không còn lớp học nhảy, võ karate, không còn các hội nghị cũng như các nhà thờ nữa? Việc giảm tỉ lệ tử vong sẽ trở thành tiêu chuẩn để đo lường tiến độ? Liệu sự tiến bộ của loài người có đồng nghĩa với sự tách biệt? Đây có phải là tương lai của chúng ta?
Câu hỏi tương tự cũng được đặt ra cho các công cụ quản trị hành chính sử dụng để kiểm soát việc di chuyển của mọi người và các luồng thông tin. Tại thời điểm của bài viết này, cả đất nước (Mỹ) đang tiến dần đến mức phong tỏa. Ở một vài quốc gia khác, bạn sẽ cần điền vào một mẫu đơn trên trang thông tin trực tuyến của Chính phủ để được phép rời khỏi nhà mình. Điều này gợi cho tôi nhớ về trường học – hoặc nhà tù, nơi mà vị trí của mọi cá nhân đều được quản lý vào mọi lúc. Chúng ta có hình dung ra một tương lai của những chiếc thẻ thông hành điện tử , một hệ thống cho phép các quản trị viên nhà nước và phần mềm của họ vĩnh viễn quản lý vị trí của chúng ta mọi lúc, khi mà tất cả hình thức di chuyển, bất kể được cho phép hay bị cấm, đều bị theo dõi? Và, với lý do an toàn, hệ thống đó cũng cho phép kiểm duyệt những thông tin được cho là đe dọa tới sức khỏe (điều này (lại) được quy định bởi rất nhiều cơ quan khác nhau) vì lợi ích của chúng ta? Trước tình trạng khẩn cấp, giống như trong chiến tranh, chúng ta chấp nhận sự hạn chế đó và tạm thời từ bỏ quyền tự do của mình. Tương tự như sự kiện 11/9, Covid-19 vượt qua mọi sự phản đối.
Lần đầu tiên trong lịch sử, các phương tiện công nghệ đã có mặt để hiện thực hóa tầm nhìn đó, ít nhất là tại các nước phát triển (ví dụ, sử dụng dữ liệu vị trí của điện thoại di động để thực thi giãn cách xã hội; xem thêm tại đây). Sau một chặng đường chuyển đổi gập ghềnh, chúng ta đã có thể sống trong một xã hội nơi gần như tất cả hoạt động hàng ngày đều diễn ra trực tuyến: mua sắm, hội họp, giải trí, giao lưu, làm việc, thậm chí hẹn hò. Đó liệu có phải là thứ chúng ta muốn? Nó đáng giá bao nhiêu mạng sống?
Tôi tin chắc rằng, rất nhiều trong số các biện pháp kiểm soát đang có hiệu lực hôm nay sẽ phần nào được nới lỏng trong vài tháng tới. Nới lỏng một phần, nhưng luôn luôn trong tư thế sẵn sàng. Chừng nào bệnh truyền nhiễm còn tồn tại, những biện pháp này sẽ có khả năng được áp đặt lại bất cứ lúc nào trong tương lai, hết lần này đến lần khác, hoặc được tự áp dụng như những thói quen. Deborah Tannen viết về cách vi rút corona sẽ thay đổi thế giới vĩnh viễn trên trang Politico:” Chúng ta biết rằng việc chạm vào đồ vật, ở chung chỗ với người khác và hít thở chung một bầu không khí trong một không gian kín có thể ẩn chứa những rủi ro…Từ chối bắt tay hoặc không bao giờ chạm tay lên mặt mình có thể sẽ trở thành bản năng thứ hai của chúng ta – và tất cả chúng ta có thể sẽ thừa kế một xã hội rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) vì không ai trong chúng ta có thể ngừng rửa tay.” Sau hàng nghìn, hàng triệu năm liên lạc, tiếp xúc và gắn bó với nhau, liệu đỉnh cao tiến bộ của loài người có phải là việc ngừng hết tất cả các hoạt động đó lại vì chúng quá rủi ro?
Sự sống phụ thuộc vào cộng đồng
Ngược đời ở chỗ là mặc dù các chương trình quản lý ngày càng phát triển, người dùng lại hầu như không đạt được mục tiêu mong muốn. Dù hầu hết các hộ gia đình trung lưu đều lắp đặt hệ thống an ninh, thế hệ này vẫn không cảm thấy bớt lo âu, căng thẳng hơn bao nhiêu so với thế hệ trước. Dù nhiều biện pháp an ninh phức tạp được thực hiện, số vụ nổ súng ở trường học vẫn không giảm. Dù công nghệ y tế có không ít tiến bộ phi thường trong 30 năm trở lại đây, con người lại không trở nên khỏe mạnh hơn bao nhiêu vì số ca bệnh mãn tính tăng cao mà tuổi thọ của con người thì không tăng thêm, thậm chí ở Mỹ và Anh còn bắt đầu giảm sút.
Tương tự, các biện pháp kiểm soát Covid-19 có lẽ sẽ mang lại nhiều tổn thất và chết chóc hơn là phòng tránh. Giảm thiểu các ca tử vong nghĩa là giảm thiểu những trường hợp chúng ta có thể dự đoán và đo lường được. Nhưng ta lại không thể đo lường những ca tử vong vì các lý do khác, như trầm cảm vì bị cách ly, hoặc tuyệt vọng vì thất nghiệp, hoặc hệ miễn dịch giảm sút và suy giảm sức khoẻ do lo âu lâu ngày. Nghiên cứu còn cho thấy rằng sự cô độc và thiếu tiếp xúc với xã hội làm tăng nguy cơ các bệnh viêm nhiễm, trầm cảm, và suy giảm trí nhớ. Theo bác sỹ Lissa Rankin, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ tử vong lên tới 6%, béo phì tăng 23%, lạm dụng rượu bia tăng 37%, và cảm giác cô độc tăng 45%.
Một mối nguy hiểm khác không nằm trong thống kê là hệ miễn dịch suy giảm vì vệ sinh và giãn cách thái quá. Ngoài tiếp xúc xã hội, tiếp xúc với thế giới vi sinh vật cũng rất cần thiết cho sức khoẻ của chúng ta. Nói chung, vi sinh vật không phải là kẻ thù của loài người, mà là đồng minh sức khoẻ của ta. Một hệ vi sinh đường ruột đa dạng bao gồm vi khuẩn, vi rút, nấm men, và các sinh vật khác đóng vai trò quan trọng đối với một hệ miễn dịch tốt. Sự đa dạng của hệ vi sinh này được duy trì bằng việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài và với người khác. Rửa tay quá nhiều, lạm dụng kháng sinh, giữ vệ sinh tới mức vô trùng, và thiếu tiếp xúc với người khác có thể mang lại nhiều tác hại hơn là lợi ích. Các bệnh dị ứng và rối loạn miễn dịch có thể sẽ thay thế các bệnh lây nhiễm, nhưng đồng thời mức độ nguy hiểm cũng sẽ cao hơn. Về mặt xã hội lẫn sinh học, sức khoẻ phụ thuộc vào cộng đồng. Sự sống không thể phát triển khi bị cô lập.
Khi chúng ta nhìn thế giới qua lăng kính “chúng ta – chúng nó”, vô tình chúng ta trở nên mù quáng trước thực tế là sự sống và sức khỏe tồn tại trong cộng đồng. Lấy bệnh truyền nhiễm làm ví dụ chẳng hạn, chúng ta chỉ tập trung vào mầm bệnh độc hại mà quên mất các vấn đề khác, ví như, vai trò của virus trong hệ vi sinh là gì? (Xem thêm ở đây). Tình trạng thể chất như thế nào sẽ tạo điều kiện cho các virus nguy hiểm sinh sôi phát triển? Tại sao một số người chỉ có triệu chứng nhẹ mà những người khác lại có triệu chứng nghiệm trọng hơn (ngoại trừ lý do chung chung là sức đề kháng thấp, vốn dĩ chẳng giải thích được gì)? Các bệnh như cúm, cảm lạnh, hay các bệnh không gây chết người khác có vai trò tích cực gì trong việc duy trì sức khỏe tốt?
Kiểu tư duy chiến-tranh-chống-vi-khuẩn mang lại kết quả tương tự như chiến tranh chống khủng bố, chiến tranh chống tội phạm, chiến tranh chống cần sa, và hàng trăm ngàn cuộc chiến về chính trị và vấn đề cá nhân khác. Đầu tiên là chiến tranh lại không ngừng đẻ ra thêm chiến tranh. Sau đó thì mọi người sẽ bắt đầu bớt chú ý những điều kiện căn bản gây nên bệnh tật, khủng bố, tội phạm, cần sa, và các vấn đề tương tự.
Dù các chính trị gia liên tục tuyên bố rằng họ ủng hộ chiến tranh vì hoà bình, trong khi thực tế là chiến tranh chỉ tạo ra thêm nhiều chiến tranh hơn mà thôi. Ném bom các nước khác để diệt trừ khủng bố không chỉ cố tình bỏ qua điều kiện căn bản tạo nên khủng bố mà còn làm cho tình hình trầm trọng hơn. Giam giữ các thành phần phạm tội không chỉ bỏ qua điều kiện căn bản tạo nên tội phạm, mà ngược lại, lựa chọn này tạo nên các nguyên nhân đó bằng cách chia cắt gia đình và cộng đồng, ngoài ra còn đẩy những người đi tù lún sâu hơn vào văn hoá phạm tội. Lại còn cả những chế độ phụ thuộc thuốc kháng sinh, vắc-xin, thuốc kháng virus, và các loại thuốc khác đang tàn phá hệ sinh thái cơ thể người-vốn là nền tảng của một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Những chiến dịch phun thuốc quy mô lớn khởi đầu vì sốt Zika, sốt xuất huyết, và giờ là Covid-19 sẽ gây ra thiệt hại không ngờ tới hệ sinh thái tự nhiên. Đã có ai trong chúng ta xem xét tới những ảnh hưởng của việc đổ hàng tấn chất kháng virus ra hệ sinh thái? Chỉ những người có tư duy chia cắt mới nghĩ ra những chính sách như thế (đã được thực hiện khắp nơi ở Trung Quốc và Ấn Độ), và họ không hề hiểu rằng virus là một phần không thể thiếu của sự sống.
Để hiểu rõ mục đích của những điều kiện cơ bản, ta cần xem xét tỷ lệ tử vong ở Ý (từ Viện y tế quốc gia ) được thống kê dựa trên việc phân tích hàng trăm ca tử vong vì Covid-19. Trong số những ca này, ít hơn 1% không mắc bệnh kinh niên nghiêm trọng. Khoảng 75% số ca này mắc bệnh cao huyết áp, 35% bị bệnh tiểu đường, 33% bị thiếu máu cơ tim, 24% bị rung nhĩ, và 18% có chức năng thận suy giảm. Ngoài ra bản báo cáo tiếng Ý còn nhắc tới một số tình trạng sức khoẻ khác mà tôi không hiểu được. Gần một nửa số ca tử vong mắc ít nhất 3 trong số các bệnh lý nghiêm trọng này. Người Mỹ vốn có tiền sử béo phì, tiểu đường, và các bệnh mãn tính khác cũng có nguy cơ dễ nhiễm bệnh như người Ý. Vậy giờ chúng ta nên đổ lỗi cho virus (đã có giết chết một số người khoẻ mạnh), hay là đổ lỗi cho tình trạng sức khoẻ vốn đã kém sẵn? Tình trạng này lại gợi ta nhớ tới hình ảnh sợi dây thừng bị kéo căng. Hàng triệu người trong thế giới hiện đại đang mắc kẹt trong tình trạng sức khoẻ hiểm nghèo, chực chờ một thứ tầm thường nào đó đẩy họ tới bờ vực mất kiểm soát. Mục tiêu ngắn hạn của chúng ta tất nhiên vẫn luôn là cứu người; vấn đề là chúng ta đánh mất bản thân mình trong chuỗi mục tiêu ngắn hạn không hồi kết này, chống chọi hết bệnh này tới bệnh khác, mà lại không bao giờ nhìn nhận những điều kiện căn bản đẩy con người vào thế nguy kịch. Và vấn đề này còn khó hơn những vấn đề khác vì ta không thể thay đổi những điều kiện căn bản này bằng cách chiến đấu chống lại chúng. Không có mầm bệnh nào tạo ra bệnh tiểu đường, béo phì, nghiện, trầm cảm, hay rối loạn tâm lý sau sang chấn. Căn nguyên của những bệnh này không phải là một sinh vật khác, không phải một virus nào đó tồn tại riêng biệt với nạn nhân của nó là chúng ta đây.
Ngay cả với những bệnh đã xác định được loại virus gây bệnh như Covid-19, vấn đề đáng quan tâm không chỉ đơn giản là cuộc chiến giữa virus và nạn nhân. Ngoài thuyết vi trùng cho rằng vi trùng thuộc về một chuỗi quá trình lớn hơn, vẫn còn một cách giải thích khác. Trong những điều kiện phù hợp, vi trùng sinh sôi trong cơ thể, có khi sẽ giết chết vật chủ, nhưng đôi lúc lại có khả năng cải thiện những điều kiện ban đầu, ví như bằng cách đẩy độc tố tích tụ ra ngoài thông qua dịch nhầy, hoặc (nói ẩn dụ) là đốt chết vi khuẩn bằng những cơn sốt. Cách giải thích này thỉnh thoảng còn được gọi là “giả thuyết địa thế ”. Giả thuyết này xem vi trùng là một triệu chứng của bệnh hơn là nguyên nhân gây bệnh. Tóm tắt ngắn gọn như này: “Cá của bạn bị ốm. Thuyết vi trùng: cô lập cá. Thuyết địa hình: dọn bể.”
Có những trường hợp nhất định, như căn bệnh tâm thần phân liệt, ảnh hưởng tới văn hoá sức khoẻ thời hiện đại. Một mặt, một phong trào chăm sóc sức khỏe theo phương pháp điều trị thay thế và đổi mới toàn diện đang phát triển mạnh mẽ. Phong trào này ủng hộ việc sử dụng các loại thảo mộc, thiền, và yoga để tăng cường hệ miễn dịch; thừa nhận tầm quan trọng của các mặt tâm linh và tình cảm đối với sức khỏe con người, chẳng hạn như sức mạnh của thái độ và niềm tin đối với bệnh tật hoặc khả năng chữa lành. Tuy nhiên, tất cả các khía cạnh này dường như đã hoàn toàn biến mất từ khi cơn sóng thần Covid xuất hiện, vì cả xã hội đã mặc định sẽ đi theo hệ thống niềm tin truyền thống.
Trường hợp cụ thể: Các nhà châm cứu ở California đã bị buộc phải đóng cửa vì thuộc diện “không cần thiết”. Nhìn từ quan điểm của virus học thông thường thì điều này hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, một nhà châm cứu phát biểu trên Facebook, “Bệnh nhân của tôi đang cố ngưng dùng opioid (thuốc giảm đau) để trị chứng đau lưng thì phải làm sao? Giờ anh ta sẽ phải bắt đầu sử dụng thuốc trở lại”. Từ thế giới quan của chuyên gia y tế, đối với các bệnh thật do virus thật gây ra, các phương pháp thay thế, tương tác xã hội, yoga, hay thực phẩm bổ sung chỉ là mấy thứ ngớ ngẩn phù phiếm. Khi phải đối mặt với khủng hoảng, những phương pháp này chỉ còn là một cõi dĩ thái của khái niệm “sức khỏe toàn diện”. Vì Covid-19, sự trở lại của hệ thống niềm tin truyền thống mãnh liệt tới mức tất cả các loại thông tin không chính thống khác, như bổ sung vitamin C qua đường tĩnh mạch, hoàn toàn không được công nhận ở Mỹ cho tới 2 ngày trước (vẫn còn nhiều bài báo xoay quanh chuyện “vạch trần” “tin hoang đường” rằng vitamin C có thể hỗ trợ chữa trị Covid-19). Tôi chưa bao giờ thấy CDC truyền bá lợi ích của chiết xuất từ cây cơm cháy, nấm dược liệu, cắt giảm lượng đường, NAC (N-acetyl L-cysteine), cây đậu ván dại, hay vitamin D. Những tin này không chỉ là những suy đoán nửa mùa về “sức khỏe toàn diện”, mà đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu sâu rộng kèm theo giải thích chi tiết về sinh lý học. Ví dụ, NAC đã được chứng minh có thể giảm triệt để tỉ lệ mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng do bệnh giống như bệnh cúm (thông tin chung, còn đây là một nghiên cứu giả dược, đã loại trừ sai số).
Những số liệu thống kê về tính tự miễn dịch, bệnh béo phì, v.v. tôi đã dẫn ra ở trên cho thấy nước Mỹ và thế giới hiện đại nói chung đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về sức khỏe. Vậy liệu giải pháp cho vấn đề này có phải là tiếp tục những gì chúng ta đang thực hiện, chỉ cần triệt để hơn? Cho tới nay, phương pháp đối phó với Covid chỉ tăng thêm độ tin cậy của hệ thống niềm tin truyền thống, đồng thời loại bỏ các phương pháp không chính thống và những quan điểm bất đồng. Nhưng vẫn còn một cách khác, đó là chúng ta phải mở rộng tầm nhìn và xem xét toàn bộ hệ thống, từ chuyện ai trả tiền cho hệ thống, ai được quyền truy cập hệ thống, và các dự án nghiên cứu được tài trợ như thế nào, đến chuyện phát triển tới các lĩnh vực bên lề như thảo dược, y học chức năng, và y học năng lượng. Có lẽ chúng ta có thể nhân cơ hội này để đánh giá lại các thuyết hiện hành về bệnh tật, sức khỏe, và cơ thể người. Vâng, hiện tại chúng ta nên dành hết sức bảo vệ những con cá ốm, nhưng có lẽ lần tới ta sẽ không phải cách ly và cấp thuốc cho nhiều cá như hiện giờ nếu chúng ta có thể dọn bể trước.
Tôi không bảo các bạn phải chạy ngay đi mua NAC hay các loại thực phẩm bổ sung tương tự, tôi cũng không nói là cả xã hội phải quay 180 độ thay đổi phương án đối phó, ngừng giãn cách xã hội và bắt đầu sử dụng thực phẩm bổ sung ngay lập tức. Nhưng chúng ta có thể tận dụng quãng nghỉ khỏi những thứ thường ngày, tại chặng dừng trước ngã tư đường này, để chủ động chọn con đường ta nên đi trong tương lai: nên chọn hệ thống chăm sóc sức khỏe nào, xây dựng mô hình sức khỏe nào, và phát triển kiểu xã hội nào. Nhìn vào những ý tưởng như hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện miễn phí đang trên đà phát triển ở Mỹ, quá trình đánh giá lại này đang xảy ra ngay lúc này rồi. Và con đường này cũng dẫn đến những ý kiến trái chiều. Loại hình chăm sóc sức khỏe nào sẽ được phổ cập rộng rãi? Liệu loại hình này sẽ trở nên sẵn có cho tất cả mọi người, hay là bắt buộc đối với toàn xã hội? Mỗi công dân là một bệnh nhân, có lẽ mỗi người đều sẽ có một hình xăm mã vạch vô hình để xác định khi nào thì cần phải được tiêm phòng và kiểm tra sức khoẻ? Chỉ sau khi hoàn thành các thủ tục thì họ mới có thể đi học, lên máy vậy, hoặc đi ăn ở nhà hàng. Đây là một trong những đường tương lai đã dọn sẵn cho ta.
Nhưng vẫn còn một đường khác. Thay vì tăng cường việc kiểm soát, ta có thể thử các mô hình và phương án thực tiễn toàn diện vẫn luôn nằm bên lề xã hội. Chờ đợi sự thất bại của các phương án vốn được đặt vào trung tâm, rồi ta có thể từ tốn đưa những phương án mới này vào vị trí trung tâm và dựng nên một hệ thống mới xoay quanh chúng.
The coronation – Triều đại Corona
Nhìn vào thiên đường của sự kiểm soát hoàn hảo mà nền văn minh loài người đã theo đuổi bấy lâu, sự kiểm soát đã thoái trào còn nhanh hơn những tiến bộ của chúng ta, như một ảo ảnh ở cuối chân trời. Chúng ta có sự lựa chọn thay thế. Phải, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục đi con đường dẫn tới thêm những sự cô lập, cách ly, thống trị và ngăn cách. Chúng ta có thể bình thường hoá mức độ kiểm soát và tách biệt vốn đã tăng cao, trong một niềm tin rằng điều đó là cần thiết để giữ ta an toàn, và chấp nhận một thế giới nơi con người sợ hãi khi ở gần nhau. Hoặc, chúng ta có thể tận dụng quãng nghỉ này, một sự gián đoạn khỏi những thói thường, để rẽ hướng sang con đường của sự hợp nhất, sự đoàn kết, hàn gắn lại những kết nối đã mất, chữa lành cộng đồng và quay trở về với mạng lưới của sự sống.
Liệu ta có lún sâu hơn vào việc bảo vệ cái tôi tách biệt, hay chúng ta sẽ chấp nhận lời mời của một thế giới nơi con người đồng cam cộng khổ với nhau? Đây không phải câu hỏi dành riêng cho ngành y tế, mà đặt ra với cả nền kinh tế, chính trị và cuộc sống cá nhân của mỗi người nữa. Lấy ví dụ của vấn đề tích trữ, tích trữ thể hiện quan điểm “Sẽ không có đủ cho tất cả mọi người, vậy nên tôi phải đảm bảo tôi có đủ dùng trước đã”. Một cách phản ứng khác là: “Có những người còn thiếu thốn, vậy nên tôi sẽ chia sẻ với họ những gì tôi có”. Liệu chúng ta là những kẻ sống sót, hay người giúp đỡ? Ta sống vì điều gì?
Trên bình diện lớn hơn, con người bắt đầu đặt ra những câu hỏi mà trước giờ còn ẩn nấp đâu đó bên lề các phong trào hoạt động xã hội. Chúng ta nên làm gì với vấn đề vô gia cư? Còn những người đang phải sống trong tù? hay trong những khu ổ chuột ở Thế giới thứ Ba? Ta nên làm gì giúp những người bị thất nghiệp? Còn những người dọn phòng trong khách sạn, người lái xe Uber, những người lao công, thợ sửa nước, lái xe hay thu ngân – những người không thể “làm việc ở nhà”? Và giờ, cuối cùng thì ý tưởng về việc xoá nợ cho sinh viên hay thu nhập cơ bản toàn cầu bắt đầu nở hoa. Câu hỏi “Làm sao để bảo vệ những người dễ bị tổn thương bởi Covid?” dẫn chúng ta tới một câu hỏi khác “Làm sao để chăm sóc cho những người dễ bị tổn thương trong xã hội nói chung?”.
Đó chính là nguồn xung lực đang khuấy động con người, cho dù những quan điểm của chúng ta về mức độ nghiêm trọng, nguồn gốc hay kế sách tốt nhất để chống Covid có nông cạn tới đâu. Động lực này mách bảo ta: hãy nghiêm túc với việc chăm sóc lẫn nhau. Hãy nhớ mỗi chúng ta đều đáng quý và cuộc sống này đáng trân trọng biết bao. Hãy nhìn lại nền văn minh của chúng ta, dỡ bỏ cho tới tận lớp đinh tán và xem thử ta có thể xây lại một phiên bản mới đẹp đẽ hơn.
Khi Covid đã lay động lòng trắc ẩn của chúng ta, ngày càng có nhiều người nhận ra rằng chúng ta không muốn quay lại với “những lẽ thường” thiếu tình thương nữa. Ta đang có cơ hội để đúc lên một “sự bình thường” mới với nhiều lòng thương hơn.
Tràn ngập những dấu hiệu tích cực cho thấy điều này đang xảy ra. Chính phủ Mỹ, vốn trước nay là tù nhân của lợi ích tư bản vô tâm, giờ đã huy động hàng trăm tỷ đô la trả trực tiếp cho các hộ dân. Donald Trump, vốn không nổi tiếng là hình mẫu của lòng trắc ẩn, cũng đã tạm dừng việc tịch thu tài sản đất đai. Tất nhiên ai đó có thể nghi ngờ những chuyển biến này, dù vậy, chúng vẫn thể hiện tôn chỉ của việc quan tâm tới kẻ yếu thế.
Trên khắp thế giới, ta được nghe những câu chuyện của tình đoàn kết và sự chữa lành. Một người bạn tôi gửi cho 10 người lạ đang lâm vào cảnh khốn khó, mỗi người $100. Con trai tôi, mấy ngày trước vẫn đang làm ở Dunkin’ Donuts, kể rằng người ta “boa” nhiều hơn bình thường gấp 5 lần – mà khách ở đây chỉ là những người lao động bình thường, nhiều người trong số đó là lái xe tải gốc Tây Ban Nha, bản thân họ cũng bấp bênh về tài chính trong thời gian này. Bác sĩ, y tá và “nhân lực thiết yếu” ở nhiều ngành nghề đang mạo hiểm tính mạng của mình để phục vụ cộng đồng. Dưới đây là thêm những ví dụ về sự tràn đầy của tình yêu, sự tốt bụng và tử tế trích từ ServiceSpace:
Có lẽ chúng ta đang trên con đường tới một câu chuyện mới. Hãy tưởng tượng cảnh không quân Ý dùng nhạc phim Pavoratti, quân đội Tây Ban Nha phụng sự giúp dân, hay cảnh sát giao thông chơi đàn guitar để truyền cảm hứng. Các công ty bất ngờ tăng lương cho nhân viên. Người dân Canada bắt đầu phong trào “Thương lái tốt bụng”(Kindness Mongering). Cô bé 6 tuổi đáng yêu ở Úc trao tặng hết số tiền bà tiên răng cho cô. Một học sinh lớp 8 ở Nhật làm 612 cái khẩu trang và học sinh ở khắp nơi giúp người già mua đồ nhu yếu phẩm. Cuba gửi đội quân áo trắng (bác sĩ) tới hỗ trợ nước Ý. Một chủ nhà đồng ý để người thuê nhà ở lại không lấy tiền, một bài thơ của linh mục người Ailen lan truyền khắp nơi, những nhà hoạt động xã hội bị khuyết tật sản xuất dung dịch khử trùng tay. Hãy tưởng tượng mà xem. Đôi khi chính cơn khủng hoảng đã soi chiếu động lực thôi thúc ẩn sâu bên trong chúng ta – con người luôn phản ứng với lòng trắc ẩn.
Như Rebecca Solnit mô tả trong cuốn sách tuyệt vời của cô – “Thiên đường xây trong địa ngục”(A Paradise Built in Hell) – thảm họa thường giải phóng tình đoàn kết. Một thế giới đẹp tươi đang trôi ngay dưới lớp bề mặt, sẵn sàng nhô lên bất cứ khi nào hệ thống đang kìm nó dưới nước thả lỏng tay.
Trong một thời gian dài, chúng ta, với vai trò là một cộng đồng, đã bất lực đứng nhìn một xã hội tha hoá. Cho dù đó là sức khoẻ giảm sút, hạ tầng mục ruỗng, sự trầm uất, nạn tự tử, nghiện ngập, suy thoái sinh thái hay sự tập trung tiền của (vào tay một số ít), những triệu chứng của bất ổn xã hội trong thế giới phát triển đã rõ ràng, nhưng chúng ta vẫn bị vướng mắc trong chính những khuôn mẫu và hệ thống đã tạo ra chúng. Giờ đây, Covid tặng cho chúng ta một cơ hội để khởi động lại.
Hàng ngàn con đường rẽ nhánh trước mắt chúng ta. Một thu nhập cơ bản toàn cầu có thể đặt dấu chấm hết cho sự bấp bênh tài chính, và sức sáng tạo nở hoa khi hàng ngàn người thoát khỏi những công việc mà Covid cho ta thấy là không thực sự cần thiết như ta vẫn nghĩ. Cũng có thể, với sự tiêu giảm của các doanh nghiệp nhỏ, sự phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính từ chính quyền đi kèm với các điều kiện hà khắc. Cuộc khủng hoảng này có thể dẫn đến chuyên quyền hay thống nhất; thiết quân luật với y tế hay một sự phục hưng toàn diện; nỗi sợ hãi lớn hơn với thế giới vi sinh vật hay tham gia vào thế giới đó để đề kháng tốt hơn; giãn cách xã hội trở thành quy tắc vĩnh viễn hay khát vọng mới để đến gần nhau hơn.
Điều gì sẽ chỉ lối cho chúng ta khi bước trên những ngã rẽ này, cho dù là cá nhân hay cùng cả tập thể? Ở mỗi giao lộ, ta cần nhận thức rõ mình đang theo đuổi điều gì: nỗi sợ hay tình yêu, bảo toàn cho bản thân hay tinh thần hào hiệp. Liệu ta sẽ cứ sống trong sợ hãi và xây dựng một xã hội dựa trên đó? Liệu ta sống chỉ để giữ khư khư cái tôi tách biệt của mình? Hay ta sẽ dùng khủng hoảng làm vũ khí chống lại các kẻ thù chính trị? Đây không phải dạng câu hỏi “được ăn cả ngã về không” – chỉ toàn nỗi sợ hay chỉ có tình yêu. Nó nhấn mạnh rằng bước đi tiếp theo về hướng tình yêu thương đang trải ra trước mắt chúng ta. Ta cần táo bạo, nhưng không nên liều lĩnh. Ta trân quý sự sống, đồng thời chấp nhận cái chết. Và tin tưởng rằng với mỗi bước tiến lên, con đường đi tiếp sẽ lộ rõ hơn.
Xin đừng nghĩ rằng lựa chọn yêu thương thay vì sợ hãi có thể chỉ đơn giản bằng sự quyết tâm, rằng nỗi sợ có thể được chế ngự như một con virus. Con virus mà ta đang đối phó ở đây chính là nỗi sợ, sợ Covid-19, sợ cách đối phó chuyên quyền với nó – và con virus này cũng có “địa thế” riêng. Nỗi sợ, cùng sự nghiệp ngập, chứng trầm uất, với một cơ thể yếu đuối về thể chất, sẽ nở rộ trong một môi trường của sự chia cắt và tổn thương. Sang chấn ở đây có thể thừa hưởng từ các thế hệ trước, sang chấn tuổi thơ, có thể do bạo lực, chiến tranh, lạm dụng, thờ ơ, sỉ nhục, trừng phạt, sự nghèo đói. Và đó cũng có thể là vết thương im ỉm đã được bình thường hoá mà ai cũng mang theo trong một xã hội dẫn dắt bởi đồng tiền, phải trải qua quãng đời sống và học tập mất kết nối với cộng đồng hay nơi chốn. Tuy nhiên, “địa thế” này cũng có thể thay đổi, bằng sự chữa lành sang chấn ở mức độ cá nhân, hay bằng thay đổi hệ thống hướng tới một xã hội giàu lòng trắc ẩn và bằng chuyển hoá câu chuyện của sự chia rẽ: cái tôi tách biệt trong một thế giới đầy những “kẻ khác”, tôi tách biệt với bạn, con người tách biệt khỏi tự nhiên. Cô đơn là nỗi sợ hãi nguyên thuỷ của con người, và xã hội hiện đại làm cho chúng ta ngày một cô đơn. Nhưng thời điểm hợp nhất đã tới. Mọi hành động của tình thương, lòng tốt, sự dũng cảm và hào hiệp sẽ hàn gắn chúng ta khỏi câu chuyện chia cách, bởi nó củng cố cho cả người hành động và người được nhận rằng chúng ta ở đây cùng nhau.
Tôi sẽ khép lại bằng cách dẫn ra đây thêm một chiều cạnh của mối quan hệ giữa con người và virus. Virus có vai trò không thể thiếu đối với sự tiến hoá, không những của con người mà của tất các sinh vật nhân chuẩn. Virus có khả năng truyền ADN từ sinh vật này sang sinh vật khác, đôi khi cài ADN vào vật chất di truyền (và từ đó truyền sang các thế hệ sau). Với tên gọi sự truyền gen chiều ngang, đây là một cơ chế chính của quá trình tiến hoá, nhờ đó mà sự sống tiến lên nhanh hơn nhiều so với khi chỉ có đột biến ngẫu nhiên. Như Lynn Margulis từng nói, chúng ta và virus là một.
Giờ cho phép tôi mạo muội đưa ra một vài suy đoán. Có lẽ chính những căn bệnh nguy hiểm nhất của nền văn minh đã đẩy nhanh sự tiến hóa về sinh học và văn hoá của loài người, tặng cho ta những thông tin di truyền then chốt và mang đến những sự khởi đầu mới cho cả cá nhân và tập thể. Có khi nào đại dịch lần này cũng vậy? Những mã nguồn ARN mới đang lan truyền giữa người và người, khiến ta nhuốm đầy các thông tin di truyền mới. Đồng thời, ta đang nhận được những “bộ mã bí truyền” khác, đằng sau những bộ mã sinh học, chúng phá vỡ những câu chuyện và hệ thống cùng với cách mà một căn bệnh phá vỡ chức năng sinh lý của cơ thể. Hiện tượng đi theo sự khởi phát này: sự ngăn cách khỏi những lẽ thường, theo sau đó là thế tiến thoái lưỡng nan, sự sụp đổ hoặc thử thách và cuối cùng (nếu nó đi đến cuối của quá trình) là sự tái hoà nhập và sự tán dương.
Giờ, thêm một câu hỏi nữa đặt ra: sự khởi phát của cái gì? Đâu là mục tiêu và bản chất của sự khởi phát này? Chính cái tên của đại dịch này cho chúng ta một manh mối: corona virus. Corona có nghĩa là ngai vàng. Đại dịch corona virus mới cũng có thể hiểu là “Một lễ đăng quang cho tất cả”. Ngay từ giờ ta đã cảm nhận được sức mạnh của những gì chúng ta có thể trở thành. Một quyền tự chủ thực sự không bị dẫn dắt bởi nỗi sợ sự sống hay sợ cái chết. Một chủ quyền không đi kèm với sự thống trị hay chinh phạt (đó là một nguyên mẫu bóng tối, Bạo chúa). Một chủ quyền thực sự vì con người, vì sự sống và tôn trọng chủ quyền của tất cả mọi người. Triều đại corona đánh dấu sự chuyển mình của vô thức thành ý thức, sự hỗn loạn kết tinh thành trật tự, sự siêu việt của việc biến ép buộc thành lựa chọn. Chúng ta trở thành người thống trị những thứ vốn thống trị chúng ta. Một trật tự thế giới mới mà những người theo thuyết âm mưu lo sợ chính là bóng tối của một viễn cảnh huy hoàng đối với những sinh linh tự do. Khi không còn là nô lệ của sự sợ hãi, chúng ta có thể mang lại trật tự cho vương quốc loài người và xây dựng một xã hội mà ta mong muốn dựa trên tình yêu thương đang tỏa sáng từ những khe nứt của cái thế giới chia cắt.
Chú thích của nhóm dịch
* Tác giả chơi chữ khi dùng từ “Coronation”. Corona là tên của nhóm virus, đồng thời trong tiếng Anh “Coronation” có nghĩa là sự lên ngôi/đăng quang. Ngoài ra một cách hiểu khác của cách chơi chữ này việc ghép 2 từ “corona” (virus) và “nation” (quốc gia).
** Phần lớn các link đính kèm là của tác giả, nhằm cung cấp thêm thông tin. Ngoài ra trong một số trường hợp, người dịch có đính kèm link để giải thích một số từ khó hoặc ít gặp.
*** Tại thời điểm tác giả viết bài luận này, Trung Quốc hầu như có rất ít ca nhiễm mới, sau đó số ca nhiễm mới có tăng nhẹ.
Giới thiệu tác giả
Charles Eisenstein, đến từ Mỹ, nổi tiếng với vai trò là một triết gia, tác giả sách, diễn giả và người điều phối chương trình. Những cuốn sách nổi bật do anh viết bao gồm: Sự đi lên của loài người (The Ascent of Humanity), Kinh tế thiêng liêng (Sacred Economics); Một thế giới tươi đẹp hơn mà từ trong tim ta biết là có thể (The More Beautiful World Our Hearts Know Is Possible). Cuốn “Khí hậu: Một câu chuyện mới” (Climate: A New Story) là cuốn sách được xuất bản gần đây nhất của anh.Website cá nhân: https://charleseisenstein.org/
Nhóm dịch bài
Htm – Kim Ngọc – My – Sa – Thảo Kin – Thiều Thu – Trung Phạm