Bill Gates: Đại dịch đầu tiên thời hiện đại

Lời người dịch: Bản tiếng Anh được đăng vào ngày 23/04/2020 trên trang GatesNotes The blog of Bill Gates.
Cảm ơn Mylu, Minh Minh, Chang, Hoàng Dung và QQ đã hỗ trợ lược dịch.

Giới khoa học đưa ra đề xuất cần ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Bài viết này là phiên bản đầy đủ. Bạn có thể đọc bản rút gọn dưới dạng bài phát biểu ý kiến trên trang Washington Post tại đây.

Đại dịch COVID-19 khiến cả nhân loại chống lại virus. Tính đến thời điểm hiện tại, nó đã gây thiệt hại lớn đến sức khỏe, tiền bạc và sự thịnh vượng của con người. Nó giống như chiến tranh thế giới nhưng chỉ khác ở chỗ tất cả chúng ta đều ở cùng một chiến tuyến. Mọi người có thể cùng nhau nghiên cứu về căn bệnh và phát triển các công cụ phòng chống. Tôi cho rằng sự đổi mới toàn cầu sẽ là chìa khóa để giảm thiểu thiệt hại. Đổi mới bao gồm những cải tiến trong xét nghiệm, phương pháp điều trị, vắc-xin và các chính sách nhằm hạn chế sự lây lan đồng thời giảm tối thiểu thiệt hại về kinh tế và sự thịnh vượng.

Bài viết này chia sẻ quan điểm của tôi về tình hình hiện tại và cách chúng ta có thể thúc đẩy những phát kiến này. (Đọc bài viết phiên bản rút gọn dưới dạng PDF). Tình trạng hiện đang thay đổi mỗi ngày. Bạn có thể được nghe rất nhiều luồng thông tin trái chiều và những ý tưởng cũng như đề xuất không hợp lý. Chúng ta có vẻ có tất cả những tiến bộ khoa học cần thiết để mở cửa nền kinh tế trở lại, nhưng thực ra không phải vậy. Mặc dù một số phân tích dưới đây thiên về mặt chuyên môn, tôi hy vọng chúng sẽ giúp mọi người biết được những gì đang xảy ra, hiểu được những đổi mới mà chúng ta vẫn cần phải có và từ đó đưa ra những quyết định sáng suốt để giải quyết đại dịch.

TĂNG TRƯỞNG VÀ SUY GIẢM THEO CẤP SỐ NHÂN

Trong thời kỳ đầu, chúng ta đã thấy sự lây lan theo cấp số nhân ở hàng loạt các quốc gia, bắt đầu từ Trung Quốc và sau đó lan khắp châu Á, châu Âu, rồi đến Mỹ. Số ca nhiễm cứ nhân đôi theo mỗi tháng. Nếu mọi người không thay đổi lối sống, đại bộ phận dân số có thể sẽ bị nhiễm bệnh. Bằng việc thay đổi lối sống, nhiều quốc gia đã đưa tỷ lệ lây nhiễm đến trạng thái ổn định và nó đã bắt đầu suy giảm.

Tăng trưởng theo cấp số nhân thật không dễ nhìn thấy trực quan. Nếu nói rằng 2% dân số bị nhiễm bệnh và con số này sẽ tăng gấp đôi cứ sau 8 ngày, hầu hết mọi người sẽ nhận ra ngay rằng trong 40 ngày, đại bộ phận dân số sẽ bị nhiễm bệnh. Lợi ích của việc thay đổi thói quen sống nhằm hướng đến giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm, từ đó thay vì tăng gấp đôi cứ sau 8 ngày thì tỷ lệ này lại giảm xuống sau mỗi 8 ngày.

Chúng ta đang sử dụng tỷ lệ lây nhiễm, hoặc R0, để tính toán có bao nhiêu ca nhiễm mới do một ca nhiễm trước đó gây ra. R0 rất khó để đo lường, nhưng chúng tôi biết nó sẽ dưới mức 1.0 ở những nơi có số lượng ca đang giảm và trên 1.0 ở nơi có số lượng ca đang tăng. Và một sự khác biệt nhỏ trong R0 có thể dẫn đến những thay đổi rất lớn.

“Nếu ban đầu có 100 ca nhiễm trong cộng đồng, với R0 < 1.0, sau 40 ngày sẽ có thêm 17 ca nhiễm mới, và với R0 > 1.0 sẽ có thêm 3,200.”

Nếu tỉ lệ lây nhiễm của mỗi ca giảm từ 1:2 xuống còn 1:0.7, vậy sau 40 ngày sẽ có ⅙ số ca nhiễm mới chứ không phải gấp 32 lần, có nghĩa là có ít hơn 192 lần số ca nhiễm. Hãy nhìn theo một hướng khác: nếu ban đầu có 100 ca nhiễm trong cộng đồng, với R0 < 1.0, sau 40 ngày sẽ có thêm 17 ca nhiễm mới, và với R0 > 1.0 sẽ có thêm 3,200 ca. Các chuyên gia hiện đang tranh luận về việc cần giữ R0 ở mức thấp trong bao lâu để giảm số lượng các ca nhiễm trước khi mở cửa trở lại.

Suy giảm theo cấp số nhân thậm chí còn khó nhận ra hơn. Rất nhiều người sẽ thấy choáng khi nhiều nơi chuyển từ tình trạng các bệnh viện bị quá tải vào tháng Tư sang trạng thái các giường bệnh trống trơn vào tháng Bảy. Sự thay đổi nhanh chóng này sẽ gây bối rối, nhưng đó là bản chất tự nhiên của việc lây nhiễm theo cấp số nhân.

Khi bắt đầu vào hè, một vài nơi duy trì việc thay đổi các thói quen sống sẽ nhận thấy có sự suy giảm các ca bệnh theo cấp số nhân. Tuy nhiên, khi lối sống một số nơi quay trở lại bình thường thì các cụm lây nhiễm sẽ lặp đi lặp lại, và thậm chí có thể tăng trưởng theo cấp số nhân ở một vài nơi. Bức tranh toàn cảnh sẽ phức tạp hơn, với rất nhiều sự hỗn loạn.

LIỆU CHÚNG TA CÓ ĐANG PHẢN ỨNG THÁI QUÁ KHÔNG?

Đây là lý do khiến chúng ta phân vân liệu có cần thiết thay đổi lối sống không. Đa số câu trả lời là có. Có thể sẽ có một vài khu vực không có số ca lây nhiễm và tử vong tăng cao nhưng chúng ta không có cách nào biết trước đó là những đâu. Thay đổi lối sống giúp chúng ta tránh khỏi hàng triệu ca tử vong và các bệnh viện thoát khỏi tình trạng quá tải.

Chi phí đã bỏ ra để giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm là con số chưa từng có tiền lệ. Số lượng việc làm giảm nhanh chưa từng thấy, toàn bộ ngành kinh tế đang trên đà suy giảm. Quan trọng là chúng ta phải nhận ra đây không chỉ là hệ quả của việc chính phủ cấm vận.

Khi mọi người nhận thức được một căn bệnh truyền nhiễm đang lây lan trên diện rộng, họ thay đổi thói quen sống. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy được một nền kinh tế lớn mạnh của năm 2019 trong năm 2020.

Hầu hết mọi người chọn lựa không đi làm, không đến nhà hàng hoặc không du lịch để tránh bị lây bệnh hoặc hạn chế lây bệnh cho những người lớn tuổi trong gia đình. Những yêu cầu từ chính phủ nhằm đảm bảo sẽ có đủ số người thay đổi thói quen sống, từ đó giúp giữ tỷ lệ lây nhiễm dưới 1.0. Đây là việc cần thiết để tạo cơ hội khôi phục lại một số hoạt động sau đó.

Những quốc gia giàu có hơn đang chứng kiến sự giảm lây lan và bắt đầu cân nhắc về việc tăng trưởng trở lại. Ngay cả khi chính phủ nới lỏng giãn cách, không có nghĩa là mọi người ngay lập tức có thể trở lại trạng thái hoạt động bình thường. Cần có nhiều hoạt động truyền thông mạnh mẽ hơn nữa để mọi người nhận diện được rủi ro và cảm thấy thoải mái quay trở lại đi học và đi làm. Quá trình này diễn ra từng bước một, vài người sẽ lập tức trở lại làm tất cả những gì được cho phép, một vài người khác sẽ chậm hơn. Một số doanh nghiệp sẽ mất một vài tháng trước khi yêu cầu nhân viên trở lại làm việc. Một vài người sẽ muốn các hạn chế được dỡ bỏ nhanh hơn và họ sẵn sàng không làm theo quy tắc và điều này sẽ khiến tình thế càng hiểm nguy hơn. Các nhà lãnh đạo nên khuyến khích họ tuân thủ các nguyên tắc đề ra. 

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CÁC QUỐC GIA

Đại dịch không tác động giống nhau đến tất cả các quốc gia. Trung Quốc là nơi có các ca nhiễm bệnh đầu tiên. Họ đã có cơ hội thực hiện xét nghiệm ở diện rộng và phong tỏa nghiêm ngặt để hạn chế phần lớn lây lan. Những nước giàu có, nơi tập hợp nhiều người đến từ mọi nơi trên thế giới, cũng là nơi bị ảnh hưởng tiếp theo. Các quốc gia đã nhanh chóng phản ứng bằng cách thực hiện các xét nghiệm và cách ly trên diện rộng hiện đã tránh được lây nhiễm trên quy mô lớn. Việc hành động sớm mang lại lợi ích giúp các quốc gia này không phải đóng cửa nền kinh tế như các nước khác.

Khả năng thực hiện tốt các xét nghiệm giúp lý giải nhiều biến số. Việc đánh bại kẻ thù mà chúng ta không thể thấy là điều bất khả thi. Vì thế xét nghiệm là một việc quan trọng nhằm kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế. 

Cho tới nay, các nước đang phát triển như Ấn Độ và Nigeria chiếm một số lượng nhỏ trong tổng số ca bệnh được báo cáo trên toàn cầu. Một trong những ưu tiên của tổ chức chúng tôi là giúp tăng cường các xét nghiệm ở những quốc gia này, nhằm hỗ trợ họ nhận diện được tình trạng của mình. Thật may là một vài yếu tố mà chúng tôi chưa hiểu rõ được, giống như thời tiết có khả năng ảnh hưởng đến sự lây lan của vi-rút, sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh phát triển trên diện rộng tại những quốc gia này. 

“Kinh tế nước nào càng kém phát triển thì càng khó thực hiện các thay đổi thói quen sống nhằm giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm của vi-rút.”

Tuy nhiên, giả định của chúng tôi là cường độ phát triển dịch bệnh ở các nước này cũng giống như các nước khác. Mặc dù dân số của họ đang trẻ hoá một cách không cân xứng – điều này có nghĩa xu hướng tử vong do COVID-19 sẽ thấp hơn – nhưng lợi điểm này thì gần như cũng biến mất khi nhìn vào một thực tế khác. Đó là rất nhiều người thu nhập thấp có hệ thống miễn dịch suy yếu do suy dinh dưỡng hoặc HIV. Và nước nào có kinh tế càng kém phát triển thì càng khó thực hiện các thay đổi thói quen sống nhằm giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm của vi-rút. Nếu bạn đang sống trong một khu ổ chuột đô thị và đang kiếm sống bằng các công việc phi chính thức để nuôi sống gia đình mỗi ngày, bạn khó mà hạn chế tiếp xúc với người khác. Thêm nữa, năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe ở những nước này chưa đủ ổn, nên ngay cả việc cung cấp liệu pháp oxy cho những ai cần cũng đã là một việc khó khăn.

ĐIỀU CHÚNG TA CẦN BIẾT

Kiến thức về căn bệnh này sẽ cung cấp cho chúng ta các công cụ và chính sách. Vẫn còn nhiều điểm mấu chốt chúng ta chưa thể hiểu được. Một số nghiên cứu đang được tiến hành để giải đáp cho những câu hỏi này, trong đó có nghiên cứu tại Seattle của Đại học Washington đã được hoàn thành. Biểu hiện hợp tác toàn cầu về những vấn đề này rất ấn tượng và chúng ta sẽ biết rõ hơn về nó vào mùa hè tới đây.

💊 Đ𝐚̂𝐲 𝐥𝐚̀ 𝐜𝐚̆𝐧 𝐛𝐞̣̂𝐧𝐡 𝐭𝐡𝐞𝐨 𝐦𝐮̀𝐚 𝐡𝐚𝐲 𝐩𝐡𝐮̣ 𝐭𝐡𝐮𝐨̣̂𝐜 𝐯𝐚̀𝐨 𝐭𝐡𝐨̛̀𝐢 𝐭𝐢𝐞̂́𝐭? Hầu như tất cả vi-rút đường hô hấp (một nhóm bao gồm COVID-19) là vi-rút theo mùa. Có nghĩa là sẽ có ít lây nhiễm hơn vào mùa hè, điều này có thể khiến chúng ta chủ quan khi mùa thu đến. Nhưng vấn đề mấu chốt ở đây là nhiệt độ. Bởi vì chúng ta thấy vi-rút Corona chủng mới lây lan ở Úc và những nơi khác ở Nam bán cầu, nơi có sự đối lập về mùa rõ rệt với chúng ta. Vì vậy, vi-rút này không thuộc dạng hoạt động theo mùa như cúm thông thường.

💊 𝐂𝐨́ 𝐛𝐚𝐨 𝐧𝐡𝐢𝐞̂𝐮 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐤𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐜𝐨́ 𝐭𝐫𝐢𝐞̣̂𝐮 𝐜𝐡𝐮̛́𝐧𝐠 𝐧𝐡𝐢𝐞̂̃𝐦 𝐯𝐢-𝐫𝐮́𝐭 𝐧𝐚̀𝐨 𝐧𝐡𝐮̛𝐧𝐠 𝐜𝐨́ đ𝐮̉ 𝐤𝐡𝐚̉ 𝐧𝐚̆𝐧𝐠 𝐥𝐚̂𝐲 𝐧𝐡𝐢𝐞̂̃𝐦 𝐜𝐡𝐨 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐤𝐡𝐚́𝐜? Thế còn những người đã hồi phục nhưng vẫn chưa “sạch” vi rút thì khả năng lây nhiễm của họ ra sao? Các mô phỏng máy tính cho thấy rằng nếu có nhiều người đã nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng nào và các ca mắc phải chưa hoàn toàn hồi phục thì việc nới lỏng kinh tế sẽ khó khăn hơn nhiều. Có rất nhiều tranh cãi về mức độ lây nhiễm của những nguồn này, nhưng chúng ta đều biết rằng vẫn còn có nhiều người nhiễm vi rút không khai báo các triệu chứng, và một vài trong số đó có thể sẽ lan truyền vi-rút đi.

💊 𝐓𝐚̣𝐢 𝐬𝐚𝐨 𝐤𝐡𝐢 𝐧𝐡𝐢𝐞̂̃𝐦 𝐛𝐞̣̂𝐧𝐡, 𝐧𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐭𝐫𝐞̉ 𝐭𝐮𝐨̂̉𝐢 𝐜𝐨́ 𝐢́𝐭 𝐧𝐠𝐮𝐲 𝐜𝐨̛ 𝐛𝐢̣ 𝐛𝐞̣̂𝐧𝐡 𝐧𝐚̣̆𝐧𝐠 𝐡𝐨̛𝐧? Hiểu được mức độ tác động ở đây sẽ giúp chúng ta cân nhắc những rủi ro khi mở cửa lại trường học. Đây là một chủ đề phức tạp bởi vì ngay cả khi những người trẻ tuổi không thường xuyên bị bệnh, họ vẫn có thể truyền bệnh cho người khác.

💊 𝐁𝐚̣𝐧 𝐧𝐞̂𝐧 đ𝐢 𝐱𝐞́𝐭 𝐧𝐠𝐡𝐢𝐞̣̂𝐦 𝐤𝐡𝐢 𝐜𝐨́ 𝐧𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐭𝐫𝐢𝐞̣̂𝐮 𝐜𝐡𝐮̛́𝐧𝐠 𝐧𝐚̀𝐨? Một số quốc gia đang lấy thân nhiệt của nhiều người để làm công cụ sàng lọc ban đầu. Nếu điều này giúp phát hiện nhiều ca tiềm tàng hơn, chúng ta có thể sử dụng nó tại các sân bay và các cuộc tụ họp lớn. Chúng ta cần đặt mục tiêu cho các xét nghiệm đối với những người có nguy cơ cao nhất vì chúng ta không có đủ khả năng xét nghiệm cho tất cả mọi người.

💊 𝐍𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐡𝐨𝐚̣𝐭 đ𝐨̣̂𝐧𝐠 𝐧𝐚̀𝐨 𝐠𝐚̂𝐲 𝐧𝐠𝐮𝐲 𝐜𝐨̛ 𝐥𝐚̂𝐲 𝐧𝐡𝐢𝐞̂̃𝐦 𝐜𝐚𝐨 𝐧𝐡𝐚̂́𝐭? Nhiều người đã hỏi tôi rằng việc tránh dùng thực phẩm chế biến sẵn, tránh chạm vào tay nắm cửa hoặc hạn chế sử dụng nhà vệ sinh công cộng có thể giảm thiểu rủi ro hay không. Tôi ước gì mình biết trả lời họ thế nào. Sẽ cần đưa ra các phán đoán cho các loại tụ tập khác nhau như lớp học hoặc nhà thờ và liệu có cần các lệnh bắt buộc giãn cách không. Ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, có thể sẽ có lây lan vi-rút do ô nhiễm từ phân của những người nhiễm bệnh.

💊 𝐀𝐢 𝐥𝐚̀ 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐝𝐞̂̃ 𝐦𝐚̆́𝐜 𝐛𝐞̣̂𝐧𝐡 𝐧𝐡𝐚̂́𝐭? Chúng ta đều biết rằng người già có nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao nhất. Các chính phủ đang thúc đẩy người dân của mình hiểu cách giới tính, chủng tộc và tỉ suất bệnh ảnh hưởng đến việc mắc bệnh ra sao.

VAI TRÒ CỦA QUỸ GATES

Thông thường, Quỹ Gates đặt hơn một nửa nguồn lực của mình vào việc giảm tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Các căn bệnh này là lý do khiến tỉ lệ tử vong của một đứa bé sinh ra tại một nước nghèo cao gấp 20 lần so với một đứa bé được sinh ra tại một nước giàu. Chúng tôi đầu tư vào các phương pháp điều trị và điều chế vắc-xin ngăn ngừa các chủng bệnh trên và đảm bảo cung cấp đến những nơi cần chúng. Các chủng bệnh bao gồm: HIV, sốt rét, bệnh lao, bại liệt và viêm phổi. Bất cứ khi nào xuất hiện các dịch bệnh như Ebola, SARS, hay Zika, chúng tôi sẽ hợp tác với chính phủ và khu vực tư nhân để trình bày các rủi ro cũng như khởi động các nguồn lực cần thiết để tạo ra công cụ ngăn chặn dịch bệnh. Với những kinh nghiệm của mình, tôi đã có một buổi nói chuyện trên diễn đàn TED Talk vào năm 2015 về việc thế giới chưa sẵn sàng cho một dịch bệnh liên quan đến đường hô hấp. Mặc dù chưa thật sẵn sàng nhưng một vài bước đã được chuẩn bị, bao gồm việc thành lập “Liên minh Đổi mới và Phòng chống dịch bệnh” trong việc điều chế vắc-xin.

Giờ đây khi dịch bệnh đã xuất hiện, chúng tôi đang áp dụng chuyên môn của mình để tìm ra những ý tưởng tốt nhất trong từng lĩnh vực và đảm bảo mọi việc sẽ được tiến hành với tốc độ tối đa. Có nhiều nỗ lực đang diễn ra, ví dụ như hơn 100 nhóm đang thực hiện các phương pháp điều trị và 100 nhóm khác về điều chế vắc-xin. Chúng tôi đang tài trợ cho một số nhóm nhưng vẫn đang theo dõi mọi thứ một cách chặt chẽ. Điều quan trọng là phải xem xét từng dự án để không chỉ biết được mức độ hiệu quả mà còn cả cơ hội để có thể nhân rộng ra toàn thế giới.

Một hoạt động cấp thiết là quyên góp tiền để phát triển các công cụ mới. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ cần hàng tỷ đô cứu lấy hàng tỷ người. Mỗi tháng chờ đợi vắc-xin được điều chế tương đương với một tháng mà nền kinh tế không thể trở lại bình thường. Tuy nhiên, thật sự không rõ các quốc gia sẽ cùng nhau phối hợp tài trợ như thế nào. Một số có thể trực tiếp hợp tác với khu vực tư nhân nhưng lại yêu cầu công dân của họ được ưu tiên. Có rất nhiều cuộc thảo luận giữa các chính phủ, Tổ chức Y tế Thế giới, khu vực tư nhân và tổ chức chúng tôi về cách phát triển những nguồn lực này.

ĐỔI MỚI ĐỂ ĐÁNH BẠI KẺ THÙ

Xuyên suốt Thế chiến thứ II, đã có rất nhiều phát sinh ra đời giúp chiến tranh kết thúc nhanh hơn, bao gồm: ra-đa, ngư lôi và các biện pháp phân tích mật mã. Điều đó có thể cũng sẽ đúng với đại dịch lần này. Tôi phân loại các cải tiến vào năm lĩnh vực: phương pháp điều trị, vắc-xin, thử nghiệm, truy vết tiếp xúc, và chính sách tái mở cửa. Nếu không có những sự cải tiến nhất định trong các lĩnh vực trên, chúng ta sẽ không thể trở lại với công việc kinh doanh hay ngăn chặn vi-rút. Và dưới đây, tôi sẽ thảo luận chi tiết về từng lĩnh vực.

💊 Phương pháp điều trị
Mỗi tuần đều có các ý tưởng mới về phương pháp điều trị nhưng hầu hết sẽ không thành công. Tuy nhiên, tôi khá lạc quan là một vài trong số đó sẽ giúp giảm gánh nặng bệnh tật đáng kể. Một số sẽ được mang đến các nước giàu thay vì các nước đang phát triển, một số sẽ mất nhiều thời gian để mở rộng quy mô. Có thể trong mùa hè hoặc mùa thu này, các liệu pháp sẽ được đưa vào sử dụng. 

Nếu mùa xuân 2021 tới đây, chúng ta nhìn thấy mọi người tham dự các sự kiện cộng đồng lớn như thể thao hoặc hòa nhạc, đó là bởi vì chúng ta đã có một liệu pháp diệu kỳ khiến người ta tự tin bước ra đường. Thật khó để biết được chính xác ngưỡng giới hạn là gì nhưng tôi ngờ rằng chúng ta cần một phương pháp điều trị hiệu quả đến 95% để mọi người cảm thấy an toàn trong các buổi tụ họp công cộng lớn. Mặc dù nếu kết hợp các phương pháp với nhau, hiệu quả có thể cao hơn 95%, nhưng khả năng đó không cao, chúng ta không thể đặt niềm tin vào nó. Nếu những liệu pháp tốt nhất làm giảm tỉ lệ tử vong thấp hơn 95%, chúng ta vẫn cần vắc-xin trước khi mọi thứ trở lại như cũ.

Hiện đã có một phương pháp điều trị tiềm năng theo hướng thu thập máu từ bệnh nhân hồi phục từ COVID-19 đồng thời đảm bảo rằng nó không chứa vi-rút và các loại nhiễm trùng khác khi truyền huyết tương từ người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp với định nghĩa thông thường về thuốc. Các công ty hàng đầu trong lĩnh vực này đang phối hợp cùng nhau để đưa ra giao thức tiêu chuẩn từ đó xem xét tính hiệu quả của nó. Họ sẽ phải đo từng bệnh nhân để xem kháng thể của họ mạnh ra sao. Một biến thể của phương pháp này là lấy huyết tương và cô đặc nó thành hợp chất hyperimmune globullin – cách này nhanh và dễ thực hiện hơn nhiều so với việc lấy huyết tương tập trung. Tổ chức chúng tôi đang hỗ trợ một tập đoàn lớn đẩy nhanh việc đánh giá, và nếu quy trình này thu được hiệu quả, chúng tôi sẽ nhanh chóng mở rộng quy mô. Những công ty này đã phát triển một Plasma Bot để hỗ trợ các bệnh nhân hồi phục từ COVID-19 hiến huyết tương. 

“Phương pháp điều trị bằng kháng thể này có cơ hội sẽ thành công mặc dù chúng ta không rõ sẽ chế tạo được tổng cộng bao nhiêu liều.”

Một liệu pháp điều trị tiềm năng khác đi theo hướng xác định kháng thể có được do hệ thống miễn dịch của con người tạo ra cũng được cho là cách hiệu quả nhất để chống lại vi-rút Corona chủng mới. Một khi kháng thể được tìm thấy, chúng sẽ được sản xuất và sử dụng như một liệu pháp trị bệnh hoặc là cách phòng bệnh (cách này được biết đến với tên gọi miễn dịch bị động). Tiếp cận bằng kháng thể thế này cũng có khả năng thành công, mặc dù không rõ có thể sản xuất bao nhiêu liều kháng thể. Việc này phụ thuộc vào lượng nguyên liệu đầu vào cho từng liều kháng thể; năm 2021, những nhà sản xuất có thể sản xuất ít nhất 100,000 hoặc hàng triệu liều điều trị. Thời gian sản xuất tối ưu nhất là khoảng bảy tháng. Một nhóm những người nhận tài trợ từ tổ chức của chúng tôi đang làm các phép so sánh các loại kháng thể và đảm bảo tìm ra được loại tốt nhất trong điều kiện sản xuất còn hạn chế. 

Có một loại gọi là thuốc siêu vi, giúp chống lại khả năng hoạt động và sinh sản của vi-rút. Ngành công nghiệp dược phẩm đã tạo ra các loại thuốc siêu vi đáng kinh ngạc để giúp người có HIV, mặc dù phải mất hàng thập kỷ để xây dựng hiệu quả ‘kho bộ ba liệu pháp trị liệu bằng thuốc’. Đối với chủng vi-rút Corona mới, ứng cử viên hàng đầu trong danh mục là thuốc Remdesivir của Gilead, hiện đang được thử nghiệm. Loại thuốc này được tạo ra để chống lại Ebola. Nếu nó thật sự hiệu quả, các nhà sản xuất sẽ rất nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất.

Tổ chức của chúng tôi vừa yêu cầu các công ty dược phẩm mở đường truy cập vào các hệ thống các loại thuốc được phát triển để kháng vi-rút, việc này sẽ giúp cho những nhà nghiên cứu ở Therapeutics Accelerator có thể chạy các phép kiểm tra xem nên thử nghiệm loại nào vào cơ thể người đầu tiên. Các công ty dược phẩm đã phản hồi rất nhanh chóng, từ đó một danh sách dài các loại thuốc kháng vi-rút đang được sàng lọc. 

Một loại thuốc khác nữa hoạt động bằng cách thay đổi cách cơ thể người phản ứng với vi-rút. Hydroxychloroquine thuộc nhóm này. Tổ chức của chúng tôi đang tài trợ cho một thử nghiệm xem xét các chỉ số xác định xem loại này có hiệu quả với COVID-19 hay không, dự kiến có kết quả vào cuối tháng Năm. Hiện đang có dấu hiệu xuất hiện một số khoản trợ cấp ở mức khiêm tốn. Một loại thuốc khác thay đổi cách con người phản ứng với vi-rút được gọi là bộ điều biến hệ thống miễn dịch. Những loại thuốc này sẽ hữu hiệu cho căn bệnh ở giai đoạn cuối. Tất cả các công ty làm việc trong lĩnh vực này đều đang làm mọi thứ có thể để thực hiện các thử nghiệm.

💊 Vắc-xin

Trong lịch sử, vắc-xin đã cứu nhiều mạng hơn bất kỳ thứ gì khác. Bệnh đậu mùa từng giết hàng triệu người mỗi năm đã bị vắc-xin đẩy lùi. Các loại vắc-xin mới đóng vai trò trọng yếu trong việc giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em từ 10 triệu vào năm 2000 xuống còn dưới 5 triệu mỗi năm như hiện nay.

Trong tình thế thiếu hụt những phương pháp điều trị mang tính đột phá đến mức chúng ta không thể tin tưởng, cách duy nhất để đưa thế giới trở lại tình trạng tiền COVID-19 là một loại vắc-xin hiệu quả cao.

Thật không may, thời gian thông thường để phát triển một loại vắc-xin ngừa bệnh là trên năm năm. Các giai đoạn được chia ra gồm: a) tạo vắc-xin ứng cử; b) thử nghiệm trên động vật; c) thử nghiệm an toàn trên số lượng ít người (giai đoạn 1); d) thử nghiệm an toàn và hiệu quả trên số lượng trung bình (giai đoạn 2); e) thử nghiệm an toàn và hiệu quả trên số lượng lớn (giai đoạn 3); f) phê duyệt điều chỉnh cuối cùng và bắt đầu sản xuất đồng thời đăng ký vắc-xin trên mọi quốc gia.

Những nhà nghiên cứu có thể tiết kiệm thời gian bằng cách rút ngắn các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ở người đồng thời tiến hành thử nghiệm trên động vật và xây dựng không gian sản xuất. Mặc dù vậy, không ai biết trước được vắc-xin nào sẽ phát huy hiệu quả, vì vậy cần có nhiều loại vắc-xin được tài trợ để đẩy nhanh tốc độ phát triển tối đa. Nhiều phương pháp tiếp cận vắc-xin sẽ thất bại vì chúng không thể sinh ra phản xạ miễn dịch đủ mạnh để bảo vệ cơ thể. Các nhà khoa học sẽ nhận ra điều này sau ba tháng thử nghiệm vắc-xin ở người bằng cách quan sát kháng thể được tạo ra. Mối quan tâm đặc biệt là liệu vắc-xin có thể bảo vệ người già và người có hệ thống miễn dịch yếu không.

An toàn là vấn đề tối quan trọng. Các cơ quan quản lý rất nghiêm ngặt về vấn đề an toàn để tránh các tác dụng phụ cũng như bảo vệ uy tín của vắc-xin một cách rộng rãi, bởi vì nếu chỉ một ca để lại vấn đề nghiêm trọng, mọi người sẽ càng do dự dùng vắc-xin hơn. Các cơ quan quản lý trên thế giới sẽ phải phối hợp với nhau để quyết định độ lớn của cơ sở dữ liệu an toàn và sau đó phê duyệt vắc-xin COVID-19.
Sau khi tổ chức chúng tôi và các bên khác kêu gọi đầu tư cho công tác chống đại dịch năm 2015, Liên minh Đổi mới Phòng chống Dịch tễ (CEPI) đã được thành lập. Dù nguồn lực khá khiêm tốn nhưng chúng đã giúp thúc đẩy các phương pháp mới để chế tạo vắc-xin có thể được sử dụng cho đại dịch này. CEPI đã bổ sung các nguồn lực để tiến hành phương pháp tiếp cận bằng vắc-xin RNA mà tổ chức chúng tôi đã hỗ trợ được một thời gian. Có ba công ty đang theo đuổi phương pháp này. Vắc-xin đầu tiên được thử nghiệm trên người là vắc-xin RNA từ Moderna, công ty đã bắt đầu giai đoạn 1 đánh giá lâm sàng mức an toàn vào tháng Ba.

“Vắc-xin RNA về cơ bản biến cơ thể bạn thành đơn vị sản xuất vắc-xin cho riêng mình.”

Vắc-xin RNA khác biệt đáng kể so với vắc-xin thông thường. Ví dụ như một mũi tiêm phòng cúm chứa các mẫu vi-rút cúm mà hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn có thể học cách tấn công lại. Đây là thứ mang lại cho bạn khả năng miễn dịch. Với vắc-xin RNA, thay vì tiêm các mẩu vi-rút vào cơ thể, bạn cung cấp cho cơ thể mã di truyền cần thiết để tạo ra nhiều bản sao. Khi hệ thống miễn dịch gặp các mẩu vi-rút này, nó sẽ học cách tấn công lại. Một loại vắc-xin RNA cơ bản biến cơ thể bạn thành đơn vị sản xuất vắc-xin cho riêng mình.
Ngoài ra, còn có năm nỗ lực hàng đầu sử dụng các cách tiếp cận khác để hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công lại sự lây nhiễm vi-rút, trông có vẻ rất hứa hẹn. CEPI và tổ chức của chúng tôi sẽ theo dõi các nỗ lực trên khắp thế giới để đảm bảo các nỗ lực có triển vọng nhất có được nguồn lực. Một khi vắc-xin đã sẵn sàng, đối tác GAVI của chúng tôi sẽ đảm bảo nó sẽ có mặt ngay cả ở các nước có thu nhập thấp.
Một thách thức lớn đối với các thử nghiệm vắc-xin là thời gian cần thiết cho các thử nghiệm phụ thuộc vào việc tìm kiếm địa điểm thực hiện – nơi có tỉ lệ lây nhiễm cao. Trong lúc bạn thiết lập địa điểm thử nghiệm và chờ sự chấp thuận của cơ quan quản lý, tỉ lệ lây nhiễm ở đó có thể đã giảm đi rồi. Và các thử nghiệm phải có rất nhiều người tham gia. Giả sử như tỉ lệ lây nhiễm dự kiến là 1% mỗi năm và bạn muốn chạy thử nghiệm ở nơi bạn liệu trước có 50 người bị lây nhiễm mà không có vắc-xin. Để có được kết quả trong vòng sáu tháng, thử nghiệm sẽ phải cần 10,000 người.

Mục tiêu là chọn ra một hoặc hai vắc-xin tốt nhất và tiêm cho cả thế giới, có nghĩa là sẽ có 7 tỉ liều nếu đó là vắc-xin một liều và 14 tỉ liều nếu đó là vắc-xin hai liều. Thế giới sẽ tìm mọi cách để có được vắc-xin vì vậy quy mô sản xuất sẽ vô cùng lớn và nó đòi hỏi nhiều công ty phải bắt tay với nhau.
Tôi hay được hỏi khi nào sẽ bắt đầu tiêm phòng đại trà. Theo như các quan chức y tế công cộng hàng đầu của Mỹ, quá trình này có khả năng là 18 tháng, mặc dù nó có thể chỉ là chín tháng hoặc gần hai năm. Một phần cốt yếu nữa là thời lượng của thử nghiệm giai đoạn 3, giai đoạn xác định toàn bộ độ an toàn và tính hiệu quả.

Khi vắc-xin được chế tạo, câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người được sử dụng trước. Trường hợp lý tưởng nhất là thế giới có được thỏa thuận chung về việc ai được tiêm trước tiên, nhưng xét về các lợi ích cạnh tranh hiện có thì điều này hoàn toàn bất khả. Các chính phủ cung cấp kinh phí, các quốc gia đang chạy thử nghiệm và những nơi có tình hình đại dịch diễn biến xấu nhất đều sẽ cho rằng mình nên được ưu tiên.

💊 Xét nghiệm
Tất cả các xét nghiệm đối với vi-rút Corona cho đến nay đều liên quan đến việc lấy gạc mũi và xử lý trong máy xét nghiệm sinh học phân tử (PCR – Polymerase Chain Reaction). Tổ chức chúng tôi đầu tư vào nghiên cứu và thấy rằng việc bệnh nhân tự lấy mẫu thử ngay chóp mũi cũng chính xác như việc bác sĩ lấy miếng gạc từ cổ họng. Những đơn vị nhận hỗ trợ của chúng tôi cũng đang thiết kế các miếng gạc giá rẻ và có thể được sản xuất ở quy mô lớn nhưng mang lại hiệu quả tương tự như những miếng gạc đang được sử dụng. Cách tiếp cận tự lấy mẫu này nhanh hơn đồng thời bảo vệ nhân viên y tế khỏi nguy cơ phơi nhiễm và ta nên để các cơ quan quản lý phê duyệt việc lấy mẫu thử ở bất cứ đâu thay vì chỉ ở trung tâm y tế. Xét nghiệm PCR khá nhạy cảm, nó thường cho bạn thấy mình có bị nhiễm vi-rút trước khi có triệu chứng hoặc có đang lây nhiễm cho người khác hay không.

Chúng ta đang rất tập trung vào số lượng các xét nghiệm được thực hiện ở mỗi quốc gia. Một số, như Hàn Quốc, đã làm rất tốt trong việc tăng cường năng lực xét nghiệm. Nhưng chỉ có những con số là không đủ để cho thấy việc xét nghiệm có mang lại hiệu quả hay không. Bạn cũng phải đảm bảo rằng bạn đang ưu tiên kiểm tra đúng người. Ví dụ như nhân viên y tế sẽ có thể nhận được ngay chỉ dẫn về việc họ có bị nhiễm bệnh hay không để họ biết có nên tiếp tục làm xét nghiệm hay không. Những người không có triệu chứng không nên được kiểm tra cho đến khi có đủ bộ xét nghiệm cho tất cả mọi người. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm sẽ có sau chưa đầy 24 giờ để bạn nhanh chóng biết liệu có nên tiếp tục cách ly bản thân và cách ly những người sống cùng bạn hay không. Tại Hoa Kỳ, phải mất hơn bảy ngày ở một số địa điểm để có kết quả kiểm tra, điều này làm giảm đáng kể giá trị của chúng. Việc chậm trễ này là không thể chấp nhận được.

Có hai loại máy PCR: máy xử lý hàng loạt khối lượng lớn và máy xử lý khối lượng thấp. Cả hai đều có vai trò nhất định. Các máy khối lượng lớn cung cấp hầu hết công suất. Các máy khối lượng thấp sẽ phù hợp hơn với các xét nghiệm cần lấy kết quả trong ít hơn một giờ. Các đơn vị sản xuất máy PCR hiện nay cùng các đơn vị mới tham gia chuỗi sản xuất, đang tạo ra càng nhiều máy càng tốt. Với việc bổ sung máy mới và sử dụng đầy đủ các máy đã có sẵn sẽ làm tăng khả năng kiểm tra. Quỹ Gates đang làm việc với các nhà sản xuất về những cách khác nhau để vận hành các máy lớn hiệu quả gấp đôi so với năng lực hiện tại.

“Cách xét nghiệm đang được phát triển sẽ giống như việc thử thai tại nhà.”

Một loại xét nghiệm khác đang được phát triển được gọi là Thử nghiệm chẩn đoán nhanh (Rapid Diagnostic Test – RDT). Đây sẽ giống như xét nghiệm có thai tại nhà. Bạn sẽ ngoáy mũi giống như trong xét nghiệm PCR, nhưng thay vì gửi nó vào trung tâm xử lý, bạn sẽ đặt nó vào một hộp chứa chất lỏng và sau đó đổ chất lỏng đó lên một dải giấy, nó sẽ đổi màu nếu phát hiện ra vi-rút. Hình thức kiểm tra này có thể được sử dụng trong một vài tháng tới. Mặc dù nó không có được độ nhạy như xét nghiệm PCR, nhưng đối với người có triệu chứng thì nó khá chính xác. Bạn vẫn sẽ cần báo cáo kết quả xét nghiệm của mình cho chính phủ vì họ cần xác định diễn biến tiếp theo của xu hướng bệnh.

Rất nhiều người nói về xét nghiệm huyết thanh học, nó giúp bạn phát hiện xem mình có kháng thể chống lại vi-rút hay không. Nếu có, đồng nghĩa với việc bạn đã nhiễm vi-rút. Những xét nghiệm này chỉ cho thấy kết quả dương tính rất lâu sau khi bạn đã nhiễm bệnh, vì vậy chúng không giúp bạn quyết định có nên cách ly hay không. Ngoài ra, tất cả các xét nghiệm được thực hiện cho đến nay có vấn đề với dương tính giả. Chỉ khi chúng ta hiểu mức độ kháng thể nào có khả năng bảo vệ và có một xét nghiệm hầu như không có kết quả dương tính giả, lúc đó mới có thể nói với mọi người rằng đừng lo lắng về việc tiếp xúc với nguồn lây nhiễm mà chỉ dựa trên các xét nghiệm huyết thanh học hiện có. Trong khi đó, các xét nghiệm huyết thanh học sẽ có tác dụng với việc biết được ai có thể hiến máu cũng như hiểu được biến động của dịch bệnh.

Rất nhiều quốc gia đã làm tốt việc xét nghiệm PCR tập trung cho các bệnh nhân được ưu tiên. Hầu hết các quốc gia đều có chính phủ đóng vai trò trung tâm trong quá trình này. Hoa Kỳ thì không có hệ thống đảm bảo thử nghiệm được phân bổ hợp lý. Một số bang đã vào cuộc, nhưng ngay cả ở những bang tốt nhất, việc phân bổ cũng không được kiểm soát hoàn toàn.

Việc xét nghiệm trở nên cực kỳ quan trọng khi một quốc gia xem xét đến vấn đề mở cửa trở lại. Bạn muốn có nhiều xét nghiệm được tiến hành đến mức bạn thấy các điểm nóng và có thể can thiệp bằng cách thay đổi chính sách trước khi con số trở nên quá lớn. Bạn không muốn chờ đợi cho đến khi các bệnh viện bắt đầu trở nên quá tải và số người chết tăng lên.

Về cơ bản, có thể phân loại các ca nhiễm thành hai nhóm: trường hợp có triệu chứng và trường hợp đã tiếp xúc với người có kết quả xét nghiệm dương tính. Lý tưởng nhất là cả hai nhóm sẽ được gửi một bộ xét nghiệm mà họ có thể làm tại nhà mà không cần đến trung tâm y tế. Các xét nghiệm vẫn sẽ có sẵn trong các trung tâm y tế, nhưng đơn giản nhất là thực hiện phần lớn tại nhà. Để thực hiện công việc này, chính phủ sẽ phải có một trang web mà bạn truy cập và khai báo tình trạng của mình, bao gồm các triệu chứng. Bạn sẽ có được thứ hạng ưu tiên và tất cả các nhà cung cấp bộ xét nghiệm sẽ được yêu cầu để đảm bảo rằng họ sẽ nhanh chóng cung cấp đến nơi có mức ưu tiên cao nhất. Tùy thuộc vào mức độ chính xác của các triệu chứng dự đoán lây nhiễm, có bao nhiêu người xét nghiệm dương tính và số lượng người mà họ đã tiếp xúc, bạn có thể tìm ra nguồn lực cần thiết để xử lý các ca quan trọng này. Hiện tại, hầu hết các quốc gia đang sử dụng tất cả năng lực xét nghiệm của họ cho các ca này.

Có một cám dỗ khiến các công ty mua máy kiểm tra cho nhân viên hoặc khách hàng của họ. Một khách sạn hoặc trung tâm điều hành tàu du lịch có thể muốn kiểm tra tất cả mọi người ngay cả khi họ không có triệu chứng. Họ muốn có được máy PCR cho kết quả nhanh hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh. Các công ty này sẽ có thể trả giá rất cao, cao hơn nhiều so với mức đấu thầu của hệ thống y tế công cộng, vì vậy các chính phủ sẽ phải xác định khi nào có đủ nguồn cung để cấp phép.

Một giả định khác là những người cần được xét nghiệm sẽ tự cô lập và cách ly những người trong gia đình họ. Một số chính phủ kiểm soát điều này một cách cẩn thận, trong khi các chính phủ khác chỉ đơn giản cho rằng mọi người sẽ làm theo khuyến nghị. Một vấn đề khác là liệu chính phủ có cung cấp một nơi để ai đó tự cô lập mình hay không nếu họ có thể làm điều đó tại nhà của mình. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có người già ở gần nhà mình.

TRUY DẤU VẾT THEO CÁC LIÊN HỆ

Như tôi đã đề cập trong phần xét nghiệm, một trong những ưu tiên hướng về những người có liên hệ mật thiết với những người đã dương tính với vi-rút. Nếu có thể nhanh chóng tập hợp danh sách những người này và đảm bảo họ được ưu tiên thực hiện những xét nghiệm như PCR (loại xét nghiệm đủ nhạy cảm để phát hiện mầm bệnh gần đây), sau đó những người này sẽ thực hiện tự cách ly trước khi lây bệnh cho người khác. Đây là phương thức lý tưởng để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút.

Một số quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc, yêu cầu bệnh nhân khai báo thông tin họ đã ở đâu trong 14 ngày vừa qua bằng cách truy cập vào định vị GPS trong điện thoại hoặc lịch sử chi tiêu của từng người. Cũng không chắc chắn các quốc gia phương Tây sẽ làm giống vậy. Có một số ứng dụng để bạn tải về sử dụng, nó giúp bạn nhớ được nơi bạn từng đến; nếu bạn từng có kết quả xét nghiệm dương tính, bạn có thể tự xem xét lịch sử hành vi của mình hoặc chọn chia sẻ nó với người phỏng vấn mình về những người liên lạc của mình. 

Đang có một số gợi ý tiếp cận bằng kỹ thuật số, trong đó có cách mà một chiếc điện thoại có thể phát hiện được những chiếc điện thoại khác xung quanh nó. Công nghệ này bao gồm sử dụng bluetooth kèm một dạng âm thanh mà con người không thể nghe được. Công nghệ này giúp xác nhận hai chiếc điện thoại đang ở cạnh nhau. Ý tưởng như sau: nếu một người có kết quả kết xét nghiệm dương tính thì điện thoại của họ có thể gửi một tin nhắn đến những điện thoại khác và chủ nhân của chúng có thể biết để bắt đầu thực hiện xét nghiệm. Nếu hầu hết mọi người dân đều tự nguyện cài đặt ứng dụng này, có lẽ khi đó có thể giúp ích một chút. Một trong những hạn chế của việc này là bạn không nhất thiết phải ở cùng một nơi cùng một chỗ thì mới lây lan cho người khác – bạn có thể đã để lại vi-rút ở một bề mặt tiếp xúc nào đó. Hệ thống công nghệ này có thể sẽ bỏ sót dạng truyền nhiễm này.

“Tôi nghĩ hầu hết các nước sẽ sử dụng cách tiếp cận mà Đức đang dùng.”

Tôi nghĩ hầu hết các nước sẽ sử dụng cách tiếp cận mà Đức đang dùng, trong đó yêu cầu thực hiện phỏng vấn tất cả những ai có xét nghiệm dương tính, đồng thời sử dụng một hệ cơ sở dữ liệu đảm bảo sẽ có những hoạt động liên lạc trao đổi theo dõi tiếp với tất cả những người này. 

Ở Đức, nếu một người có kết quả xét nghiệm dương tính, bác sĩ được yêu cầu một cách hợp pháp thông báo cho cho cơ quan y tế nhà nước ở địa phương. Bác sĩ phải cung cấp tất cả thông tin cá nhân – tên, địa chỉ, số điện thoại – từ đó, cơ quan y tế địa phương có thể thể liên lạc và đảm bảo những người này đã tự thực hiện cách ly.

Sau đó, cơ quan y tế địa phương có thể bắt đầu lần theo dấu vết của các liên hệ. Họ phỏng vấn người nhiễm bệnh, tìm ra cách liên lạc tất cả những người mà anh/cô ấy đã gặp trong vài ngày vừa qua, sau đó liên lạc những người này để yêu cầu họ tự cách ly và thực hiện xét nghiệm.

Cách tiếp cận này phụ thuộc vào những người bị nhiễm bệnh cần khai báo chính xác các liên hệ của họ, và cũng phụ thuộc vào năng lực liên tục bám sát của cơ quan y tế. Một nhân viên dịch vụ y tế thông thường khó có thể làm được hết những việc này thậm chí khi chưa có nhiều ca nhiễm bệnh. Mỗi một hệ thống y tế cần phải tìm cách nâng cao năng lực cho nhân viên y tế, từ đó mới hoàn thành được việc này trước khi quá muộn. Tất cả những người làm việc này cần được đào tạo và phải được yêu cầu bảo mật toàn bộ thông tin. Những nhà nghiên cứu sẽ được yêu cầu nghiên cứu cơ sở dữ liệu để tìm ra một hình mẫu lây nhiễm, và đương nhiên cần phải đảm bảo quyền riêng tư. 

VẤN ĐỀ MỞ CỬA

Trong hai tháng tới, hầu hết các nước phát triển sẽ bước sang giai đoạn 2 của đại dịch. Thật dễ dàng để mô tả giai đoạn này chỉ bằng một câu: Giai đoạn bán bình thường. Chúng ta có thể ra ngoài nhưng không thường xuyên như trước và không được đến những nơi đông người. Ở nhà hàng, mỗi bàn chỉ có một người ngồi và trên máy bay, các ghế giữa đều bị bỏ trống. Trường học mở cửa nhưng sân vận động lại không thể chứa 70.000 người. Mọi người vẫn đang làm việc và chi tiêu nhưng số tiền không nhiều như trước khi đại dịch xảy đến. Tựu trung lại, đây là giai đoạn bất thường nhưng nó không quá bất thường như thời gian đầu xảy ra đại dịch.

Các quy tắc về những điều được cho phép thực hiện sẽ thay đổi dần để chúng ta biết liệu rằng mức độ tiếp xúc có làm gia tăng số ca nhiễm bệnh không. Nhiều quốc gia sẽ có thể học hỏi từ các quốc gia có hệ thống xét nghiệm tại chỗ tốt nhất để thông báo cho họ khi có vấn đề xảy ra.

Một ví dụ về việc dần tái mở cửa là Microsoft Trung Quốc, nơi có khoảng 6.200 nhân viên. Tính đến nay, khoảng một nửa số nhân viên đã đi làm trở lại. Họ vẫn đang tiếp tục hỗ trợ cho nhân viên muốn làm việc tại nhà. Họ nhấn mạnh việc những người có triệu chứng nhiễm bệnh nên làm việc tại nhà. Công ty cũng yêu cầu nhân viên mang khẩu trang và cung cấp chất khử trùng tay chuyên dụng hơn. Ngay cả trong công việc, họ cũng áp dụng các quy tắc giữ khoảng cách và chỉ cho phép đi công tác vì những lý do đặc biệt. Trung Quốc đã thận trọng trong việc mở cửa và kết quả là cho đến nay đã tránh được việc tái nhiễm một cách đáng kể.

“Điều này không đơn giản như câu nói: ‘Bạn có thể làm việc X nhưng việc Y thì không.’”

Nguyên tắc cơ bản là cấp phép cho các hoạt động tạo ra nhiều lợi ích cho nền kinh tế hoặc phúc lợi của con người nhưng có nguy cơ lây nhiễm thấp. Nhưng khi bạn đi sâu vào chi tiết và xem xét toàn bộ nền kinh tế, mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Nó không đơn giản như câu nói “Bạn có thể làm việc X nhưng việc Y thì không”. Bởi vì nền kinh tế hiện đại quá phức tạp và chúng liên kết chặt chẽ với nhau.

Ví dụ như các nhà hàng có thể giữ khoảng cách giữa các thực khách là 1.83 mét, nhưng liệu họ sẽ có một chuỗi cung ứng hiệu quả cho các nguyên liệu của mình? Họ sẽ có lợi nhuận khi công suất giảm như thế không? Ngành công nghiệp sản xuất sẽ cần phải thay đổi các nhà máy để giữ cho công nhân giữ khoảng cách an toàn với nhau. Hầu hết các nhà máy sẽ có thể thích ứng với các quy tắc mới mà không mất nhiều năng suất. Nhưng làm thế nào để nhân viên trong các nhà hàng và nhà máy áp dụng được điều đó? Họ có di chuyển bằng xe buýt hay tàu hỏa không? Còn các nhà cung ứng và vận chuyển các bộ phận cho nhà máy thì sao? Và làm thế nào các công ty biết được khi nào nhân viên của họ cần đến công ty làm việc?

Không dễ dàng để trả lời những câu hỏi này. Cuối cùng thì các nhà lãnh đạo ở cấp quốc gia, tiểu bang và địa phương sẽ phải đánh đổi dựa trên những rủi ro và lợi ích của việc mở cửa các bộ phận khác nhau của nền kinh tế. Ở Hoa Kỳ, sẽ rất khó khăn nếu một tiểu bang mở cửa quá nhanh và bắt đầu xuất hiện nhiều ca nhiễm bệnh. Câu hỏi đặt ra là liệu các tiểu bang khác có nên đẩy mạnh ngăn chặn mọi người vượt qua ranh giới giữa các bang không?

Các trường học mang đến lợi ích lớn và nên được ưu tiên. Các sự kiện thể thao và giải trí lớn có thể sẽ không bị hủy bỏ dài hạn; lợi ích kinh tế của khán giả xem trực tiếp không đo lường được nguy cơ lây nhiễm. Các hoạt động khác thì khá mơ hồ, chẳng hạn như các dịch vụ nhà thờ hoặc một trận bóng đá ở trường trung học với vài chục người xem.

Có một yếu tố khác rất khó giải thích, đó là bản chất con người. Một số người cũng sẽ hạn chế ra ngoài ngay cả khi chính phủ nói rằng điều đó hoàn toàn ổn. Những người khác sẽ có quan điểm ngược lại, họ cho rằng chính phủ đang quá thận trọng và họ bắt đầu bỏ qua các quy tắc. Các nhà lãnh đạo sẽ cần suy nghĩ cẩn trọng để có được sự cân bằng một cách phù hợp.

KẾT LUẬN

Melinda và tôi biết rằng Thế chiến thứ hai là sự kiện quan trọng quyết định thế hệ của cha mẹ chúng tôi. Theo một cách tương tự, đại dịch COVID-19, được biết đến như đại dịch đầu tiên của thời hiện đại, sẽ là thứ sẽ định hình kỷ nguyên này. Không một ai sống qua Đại dịch thứ nhất này sẽ quên được nó. Chúng ta thật sự không thể cường điệu hóa nỗi đau nhân loại đang gặp phải và nỗi đau này sẽ vẫn tiếp diễn trong nhiều năm tới.

Chi phí lớn dành cho người nghèo và người có thu nhập thấp trong đại dịch trở thành mối quan tâm đặc biệt của Melinda và tôi. Căn bệnh này đang làm tổn thương nhóm người nghèo và cộng đồng thiểu số một cách không tương xứng. Tương tự như vậy, tác động của việc đóng cửa nền kinh tế đang ảnh hưởng nặng nề nhất đến nhóm có thu nhập thấp, nhóm lao động thiểu số. Những nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải đảm bảo rằng khi đất nước mở cửa, công cuộc hồi phục sẽ không làm tình trạng bất bình đẳng tồi tệ hơn.  

Đồng thời, chúng tôi ấn tượng với cách thế giới đang cùng nhau chiến đấu trong cuộc chiến này. Mỗi ngày, chúng tôi trò chuyện với những nhà khoa học từ các trường đại học, các công ty nhỏ, các CEO của những công ty dược phẩm hoặc những người đứng đầu chính phủ để đảm bảo rằng các công cụ mới mà tôi đã thảo luận bên trên sẽ được đi vào sử dụng càng sớm càng tốt. Và hiện tại, có rất nhiều người hùng khiến chúng ta cảm phục, trong đó là những nhân viên y tế tuyến đầu. Khi thế giới tuyên bố Đại dịch thứ nhất kết thúc, chúng ta sẽ phải nói lời cảm ơn họ.